Tăng cường hợp tác, đưa Bình Dương trở thành trung tâm logistics vùng
Bình Dương đã và đang chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông - vận tải; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực sớm đưa Bình Dương trở thành đầu mối, trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_413_51454679/613f6a095c47b519ec56.jpg)
Bình Dương phát triển cảng thủy nhằm giảm áp lực cho đường bộ, giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn. Trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Thạnh Phước
Phát triển hạ tầng logistics đồng bộ
Trong những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics đồng bộ và hiện đại; cùng với đó là sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics của tỉnh phát triển nhanh của cả nước. Đến nay, Bình Dương đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh (với 15 trung tâm logistics), cung cấp dịch vụ đạt mức độ 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba) và 4PL (logistics chuỗi phân phối).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cảng thủy nội địa đang hoạt động và 9 cảng thủy nội địa được quy hoạch đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Việc phát triển giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh đang có nhiều thuận lợi khi cầu Bình Lợi mới bắc qua sông Sài Gòn và cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai được nâng cao tĩnh không, kết hợp với việc phá bỏ các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai. Hệ thống cảng thủy đã và đang phát huy vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa; đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng giữa Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực.
Về đường sắt, Bình Dương có tuyến đường sắt quốc gia đi qua (địa bàn TP.Dĩ An), với chiều dài 8,6km. Tại TP.Dĩ An có ga Sóng Thần, ga Dĩ An và Nhà máy Toa xe lửa Dĩ An, hàng năm xếp dỡ, vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa. Trong khi đó, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm trên 95% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh. Đến nay, Bình Dương đã hình thành hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhiều công trình đường giao thông huyết mạch, bao gồm cả hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cấp Quốc gia và hạ tầng giao thông đường bộ cấp tỉnh, như đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường ĐT744 kết nối với tỉnh Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2 kết nối với tỉnh Đồng Nai... Bình Dương đang hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh; đã khởi công công trình đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn tỉnh…
Song song đó, Bình Dương chú trọng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng năng lực thông quan hàng hóa của hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (gồm Cảng cạn An Sơn, Cảng cạn Bình Hòa (Tân cảng Sóng Thần), Cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An, Cảng cạn Thạnh Phước, Cảng cạn Tân Uyên, Cụm cảng cạn Bến Cát, cảng cạn Thanh An). Hiện Bình Dương đang tiếp tục thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hợp tác phát triển logistics
Bình Dương phát triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là động lực thúc đẩy trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ nói riêng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bình Dương phát triển logistics hướng đến liên kết vùng; định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông - vận tải, đưa tỉnh Bình Dương trở thành đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương đề ra mục tiêu giai đoạn 2025-2026, 100% trung tâm logistics lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (logistics trên nền thương mại điện tử); hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; nâng cấp Cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế. Về hệ thống vận tải đường sắt, Bình Dương phát triển ga Sóng Thần mở rộng về Khu công nghiệp Sóng Thần; mở rộng ga An Bình (ga liên vận quốc tế gắn với khu thương mại - dịch vụ) thành một trong những ga liên vận hàng hóa quốc tế, đầu mối giao thông - vận tải và xếp dỡ hàng hóa quy mô lớn ở khu vực phía Nam. Trong giai đoạn 2027-2030, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam Bộ, là nơi tập kết hàng hóa, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến thị trường trong nước và nước ngoài. Đồng thời, Bình Dương phát triển mới các trung tâm logistics, cảng cạn hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất, nhập khẩu...
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, Bình Dương chú trọng phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực hoàn thành các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, kết nối tới các cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước). Đây là tiền đề quan trọng để Bình Dương có thể trở thành trung tâm logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong thời gian tới, Bình Dương phối hợp các tỉnh, thành trong khu vực xây dựng cơ chế liên kết vùng để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ kết nối đường Vành đai 3 và Vành đai 4 với TP.Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành để tạo ra mạng lưới kết nối đồng bộ, thuận tiện cho sự phát triển của vùng; triển khai hiệu quả việc phát triển các hành lang kinh tế theo Quyết định số 370/ QĐ-TTg ngày 4-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.