Vào chuỗi để mở rộng thị trường lao động, tối ưu hóa giá trị gia tăng
Doanh nghiệp Việt Nam cần tự nỗ lực và được hỗ trợ để có thể vượt qua những rào cản bước vào 'đại dương xanh', gia nhập chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm toàn cầu. TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT (ảnh) có những trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề phát triển nội lực cho doanh nghiệp Việt.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thời gian tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Làm thế nào để mở rộng thị trường lao động, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động này?
- TS PHAN HỮU THẮNG: Có nhiều việc cần làm, song từ góc độ quan sát khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) - lĩnh vực chuyên sâu, tôi cho rằng cần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu để tạo ra giá trị gia tăng cao nhất có thể.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bao gồm tất cả hoạt động liên quan đến việc cung cấp, sản xuất và phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng trên phạm vi toàn thế giới. Mạng lưới đó đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tham gia, đồng thời các doanh nghiệp này cũng phải quản lý tốt dòng thông tin, sản phẩm và các vấn đề về tài chính để tránh tổn thất và đạt lợi nhuận tối đa trong toàn chuỗi.
Thực tế, tuy đã có được thành công nhất định trong các lĩnh vực như dệt may, da giày và chip điện tử, vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật là các doanh nghiệp Việt Nam còn những điểm yếu cố hữu về năng lực sản xuất, công nghệ và nguồn nhân lực nên chưa tận dụng được vị thế đang rất thuận lợi của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp cần sự trợ giúp của Nhà nước về cơ chế chính sách và tài chính phù hợp.
- Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cần hội tụ điều kiện gì, thưa ông?
- Một doanh nghiệp muốn tham gia được vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trước hết phải đủ năng lực sản xuất quy mô lớn, chất lượng đảm bảo, đồng đều và còn phải tính được các rủi ro trong quá trình tham gia vào chuỗi. Một yếu tố cơ bản khác trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hiện nay và trong giai đoạn tới là số hóa mối quan hệ xây dựng giữa người mua và nhà cung cấp.
Trong giai đoạn số hóa nền kinh tế hiện nay, năng lực công nghệ là điều kiện bắt buộc đối với các thành viên mới (như các doanh nghiệp Việt Nam) muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu và đó là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt. Quan trọng nữa là doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm nhận ngay được công việc được giao. Cuối cùng và không thể thiếu là sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.
Bên cạnh các điều kiện về công nghệ cao, căn cứ từ thực tiễn hiện nay về quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam (các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đến 98%, chỉ có khoảng 2% là các doanh nghiệp lớn) thì nếu không phát triển nhanh được những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới thì sẽ rất khó để tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
- Có thực tế là, những nhà đầu tư lớn khi đến Việt Nam thường có xu hướng sử dụng các doanh nghiệp vệ tinh là “đồng hương”, bạn hàng trước đó, thay vì lựa chọn nhà cung cấp Việt Nam?
- Nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương án nào có lợi nhất cho họ. Phần lớn các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều đã có sẵn đầu ra. Nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lại chính là các nguồn đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung ứng sản phẩm toàn cầu… Tập trung sản xuất cung ứng các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ là một trong các hướng phát triển đúng để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tham gia vào được chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu ngay tại Việt Nam.
- Ông có đề cập đến sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước cho doanh nghiệp. Cụ thể là gì?
- Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn tác động đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2023, việc xây dựng ban hành các luật quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… cũng như hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đã góp phần tháo gỡ những điểm vướng, tạo tính đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính cũng đã được thúc đẩy. Nhờ đó, riêng trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, năm 2024 đã giải ngân tới 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so năm 2023, là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với mức đóng góp vốn vào vốn đầu tư xã hội của năm 2023.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều việc Trung ương và chính quyền địa phương phải làm, có một yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh là hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, tận dụng tối đa nguồn lực và thế mạnh riêng có của các địa phương trong vùng, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mà đầu ra của doanh nghiệp này hoàn toàn có thể là đầu vào của doanh nghiệp khác trong cùng khu hoặc khu công nghiệp lân cận.