Vào điện Kiến Trung xem 'Hành trình gốm Việt'

Triển lãm 'Hành trình gốm Việt' là dịp các nhà sưu tầm cổ vật, các bảo tàng, các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi về một loại hình di sản văn hóa độc đáo của dân tộc và là nơi du khách có thêm khoảnh khắc ấn tượng khi tham quan Hoàng cung Huế.

Nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2025 và Năm Du lịch quốc gia 2025, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Hành trình gốm Việt” tại điện Kiến Trung (Đại Nội Huế).

Chiêm ngưỡng triển lãm “Hành trình gốm Việt” tại điện Kiến Trung.

Chiêm ngưỡng triển lãm “Hành trình gốm Việt” tại điện Kiến Trung.

Cuộc triển lãm được tổ chức từ ngày 26/4 đến ngày 26/7 với sự tham gia của 49 nhà sưu tập cổ vật trong nước và Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng).

Triển lãm có sự tham gia của các nhà sưu tầm cổ vật đến từ Hội cổ vật thành phố Hồ Chí Minh, Hội cổ vật xứ Đông – Hải Dương, Câu lạc bộ cổ ngoạn Phố Hiến - Hưng Yên, Câu lạc bộ nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam. Ngoài ra, triển lãm có sự góp mặt của những hiện vật thuộc bộ sưu tập gốm Việt của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng gốm cổ Sông Hương.

Triển lãm được tổ chức từ ngày 26/4 đến ngày 26/7.

Triển lãm được tổ chức từ ngày 26/4 đến ngày 26/7.

“Hành trình gốm Việt” giới thiệu gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử đến thế kỷ thứ X với gốm Sa Huỳnh, Óc Eo…; thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) với dòng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phù Lãng (Bắc Ninh)…; thời Lê - Mạc (thế kỷ XV - XVI) với các dòng gốm mới xuất hiện như Châu Ổ (Quảng Ngãi), Quảng Đức (Phú Yên)…; từ thế kỷ XVII – XIX với dòng gốm Nam Bộ với các trung tâm gốm lớn như Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Chợ Lớn (Sài Gòn), gốm Thành Lễ, đặc biệt là gốm Cây Mai đã tạo nên những sản phẩm như chậu kiểng, lu, hũ, đồ thờ, tượng trang trí… với phong cách mộc mạc nhưng gần gũi và sinh động.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nghề gốm gắn liền với lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam, gốm Việt không chỉ thể hiện rõ nét tiến trình phát triển xã hội, mà còn phản ánh tư duy thẩm mỹ và đời sống tinh thần người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

“Hành trình gốm Việt” giới thiệu gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

“Hành trình gốm Việt” giới thiệu gần 200 cổ vật gốm Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

Với giá trị nghệ thuật và văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, các hiện vật gốm cổ hiện còn được lưu giữ đến ngày nay là một di sản văn hóa hết sức quý báu của dân tộc ta.

“Ngày nay, trên cơ sở kế thừa truyền thống, gốm Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc so với các thời kỳ trước, là biểu tượng cho tài hoa, sự sáng tạo của người thợ gốm Việt.

Gốm Việt Nam không chỉ là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị thương mại trên thế giới, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc và tâm hồn người Việt mà các sản phẩm gốm của Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng) được trưng bày tại triển lãm là một trong những minh chứng rõ nét”, ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thông tin.

Triển lãm “Hành trình gốm Việt”.

Triển lãm “Hành trình gốm Việt”.

“Hành trình gốm Việt” sẽ là không gian giao lưu, triển lãm để các nhà sưu tầm cổ vật, các bảo tàng, các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi về một loại hình di sản văn hóa độc đáo của dân tộc; là nơi để du khách có thêm những khoảnh khắc ấn tượng khi tham quan Hoàng Thành Huế.

Nguyễn Hiệp

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/vao-dien-kien-trung-xem-hanh-trinh-gom-viet-c14a95878.html