Vào dinh Độc Lập khi áo còn thấm máu

Chúng tôi về thôn Xuân Đình, xã Phạm Hồng Thái (trước đây là xã Hàm Tử), huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Cử, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975. Vẫn vẹn nguyên khí chất của người chính trị viên dạn dày bom đạn chiến tranh cùng tác phong nhanh nhẹn và lối kể chuyện hấp dẫn, ông đã đưa chúng tôi trở về những ngày tháng sục sôi cách đây 50 năm.

Nếu không trực tiếp gặp thì thật khó hình dung người đàn ông giọng sang sảng đang kể câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ đã bước sang tuổi 84. Trước đó, khi biết chúng tôi đến, ông lái xe đạp điện phăm phăm đi phía trước dẫn đường, quyết liệt đề nghị mọi người nhường đường cho xe chúng tôi di chuyển thuận lợi.

Vừa ngồi xuống ghế, ông nói ngay: “Thời gian đã lùi xa nhưng nhiều đêm bác vẫn giật mình thức dậy vì những giấc mơ chiến tranh. Ám ảnh lắm nên chẳng thể quên. Tuổi già hay cả nghĩ. Nhưng chút tâm tư ấy chỉ thoáng qua vậy thôi các cháu ạ. Còn được sống vui, sống khỏe đến tận bây giờ, bác may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống!”. Nén lại cảm xúc nhớ thương đồng đội rồi chỉ vào vết sẹo trên cơ thể, ông nói tiếp: “Bác bị thương mấy lần nhưng chủ yếu ở phần mềm. Riêng vết thương ở tay phải vẫn còn 2 mảnh đạn không thể lấy ra, đành chung sống hòa bình với nó. Chút thương tật này có là gì so với anh em thương binh đã mất đi một phần cơ thể. Còn khỏe, các bác còn cống hiến như thuở chiến binh”.

Và hai chữ “chiến binh” như chạm tới miền ký ức khiến đôi mắt người lính già Nguyễn Hữu Cử bừng sáng. Thế rồi không chờ chúng tôi đặt câu hỏi, ông say sưa kể chuyện chiến đấu.

 Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử (người đứng, không đội mũ) tại dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.

Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử (người đứng, không đội mũ) tại dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.

Tháng 6-1963, vừa tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Hữu Cử và 3 người bạn học xung phong nhập ngũ. Kết thúc đợt huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn 48, Quân khu Tây Bắc, Nguyễn Hữu Cử được biên chế về Trung đoàn Pháo binh 168, Quân khu Tây Bắc, sau đó được cử đi học chuyên ngành điện xe tăng. Đến năm 1966, hoàn thành khóa học, ông về công tác tại Đại đội 11 thuộc Trung đoàn Xe tăng 203 (sau này là Lữ đoàn Xe tăng 203). Đến đầu năm 1968, Nguyễn Hữu Cử cùng đơn vị hành quân cơ giới cùng xe tăng vào Nam chiến đấu tại Mặt trận Thừa Thiên Huế.

Sau Chiến thắng Đường 9-Nam Lào năm 1971, ông Cử nhận nhiệm vụ là Chính trị viên phó, rồi Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 203. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Quảng Trị, ông tiếp tục ở lại bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa trên cương vị là Chính trị viên Tiểu đoàn 397, Trung đoàn 203. CCB Nguyễn Hữu Cử cho biết: “Ở Thành cổ, đơn vị tôi là hỏa lực thứ yếu bảo vệ các đơn vị chiến đấu trong thành. Ban ngày ta bị địch đánh bật ra nhưng đêm đến ta lại tổ chức lực lượng đánh chiếm lại. Cứ như thế, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất Thành cổ. 81 ngày đêm năm ấy khốc liệt vô cùng, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất. Riêng tiểu đoàn tôi được biên chế 31 xe tăng mà đến những ngày cuối cùng của đợt chiến đấu chỉ còn lại 3 chiếc!”.

Theo lời kể của Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử, tuy chỉ còn 3 xe tăng T-54 đủ sức chiến đấu nhưng đơn vị ông đã bắn cháy 2 xe tăng M48 của địch, buộc chúng phải rút lui để bộ binh ta có thêm thời gian củng cố lực lượng. Từ hướng biển, xe tăng, xe lội nước và trực thăng của địch không ngừng chi viện hỏa lực tấn công vào hướng Thành cổ. Giữa bom đạn địch bủa vây tứ phía, ông và đồng đội kiên cường bám trụ, không rời vị trí chiến đấu. “Một hôm, đang cùng kíp xe tăng trực sẵn sàng chiến đấu, tôi thấy anh em bộ binh liên tục rút ra khỏi thành. Bức xúc quá, tôi cầm khẩu súng K59 bật nắp xe nhảy ra ngoài quát lớn: “Đang chiến đấu, sao các đồng chí lại bỏ chạy, quay lại ngay!”. “Chúng tôi đang rút theo lệnh của chỉ huy!”-tiếng anh em trả lời khiến tôi rất bất ngờ. Mang theo tâm trạng thất vọng và bất lực, tôi quay trở lại xe. Lúc này qua mạng thông tin nội bộ, tôi mới biết, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho chúng tôi hủy xe ngay, bộ đội rút về Đông Hà”.

Trước thắc mắc của chúng tôi về việc làm cách nào hủy xe, ngay lập tức ông Cử đứng dậy làm động tác dùng bộc phá hủy nổ bộ phận chuyển động của bánh xe xích. Vừa mô tả, ông vừa ngậm ngùi: “Trong tình huống bất khả kháng, để bảo toàn lực lượng, cơ động nhanh, đồng thời quyết không cho địch thu khí tài, chúng tôi đã phải làm điều không một người lính nào muốn. Đau lòng lắm!”...

Trở ra Đông Hà, đơn vị ông tập trung huấn luyện, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Trải qua một số cương vị công tác, đến tháng 8-1972, ông Cử được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 203.

Khi Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, trong đội hình Quân đoàn 2, đơn vị của ông hành quân vào tham gia Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, nhưng khi chưa vào đến nơi thì nhận được tin bộ đội ta đã đánh bật ngụy quân ra khỏi địa bàn, giải phóng Huế-Đà Nẵng. Vậy là đơn vị ông được lệnh thẳng tiến về giải phóng Sài Gòn. Ông Cử nhớ lại: “Chiều 26-4-1975, Quân đoàn 2 tổ chức đánh chiếm căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), một trong những phòng tuyến quan trọng của địch ở cửa ngõ Sài Gòn. Theo hiệp đồng, sau khi pháo mặt trận chuyển làn, xe tăng của Lữ đoàn 203 cùng với bộ binh đồng loạt tiến công”.

Trận đánh diễn ra trong thế giằng co và ác liệt. Sau khi đánh chiếm một số điểm tựa phòng ngự ngoan cố của địch, do trời mù sương, rất khó quan sát, ở cả hai hướng, xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến công của ta đều đi lạc đường. Một số xe tăng và xe thiết giáp bị địch bắn cháy và hư hỏng. Tiểu đoàn 1 của ông Cử cũng có 2 xe bị sa xuống hố bom phải cứu kéo, 1 xe bị hỏng buộc phải bỏ lại trên đường. Vì vậy, đến ngày 28-4, bộ đội chủ lực cùng lực lượng địa phương mới hoàn thành nhiệm vụ, đập tan sự kháng cự của địch tại căn cứ Nước Trong, chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài và tiếp cận nội đô Sài Gòn. Trên đường hành tiến, xe tăng của ông Cử bị sa xuống hố bom. Khi ông vừa mở nắp xe tăng để thoát ra ngoài thì trúng đạn địch, bị thương vào đầu, tay phải và chân trái. May nhờ có chiếc mũ lính tăng che chắn, nếu không viên đạn đã xuyên qua đầu và ông khó bảo toàn tính mạng.

Vết thương chảy nhiều máu, thấm ướt cả vạt áo, nhưng lúc này, trước khí thế tiến công “một ngày bằng hai mươi năm”, ông Cử quên hết mọi đau đớn. Sau khi được đồng đội sơ cứu, ông tiếp tục lên xe chỉ huy bộ đội hành tiến. Do trước đó bộ đội đã được phổ biến và học thuộc lộ trình hành quân nên mặc dù không có dẫn đường, đơn vị vẫn đến đúng điểm tập kết theo quy định. Quá trình cơ động đến cầu Sài Gòn, phát hiện 2 xe tăng M48 của địch trên điểm cao có ưu thế tấn công hơn ta nên ngay lập tức, ông lệnh cho đội hình tản sang hai bên, vừa cơ động vừa đồng loạt nổ súng bắn chéo lên cầu, tiêu diệt 2 xe tăng địch và vượt cầu Sài Gòn an toàn. Tuy nhiên, khoảng 9 giờ ngày 30-4, ngồi trên xe tăng, qua hệ thống thông tin nội bộ, Chính trị viên Nguyễn Hữu Cử nhận tin Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ trúng đạn và anh dũng hy sinh. Nén đau thương, Nguyễn Hữu Cử trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1 tiêu diệt ổ đề kháng của địch tại cầu Thị Nghè và tiến thẳng vào dinh Độc Lập.

Kể đến đây, ông Cử đưa cho chúng tôi xem bức ảnh do phóng viên nước ngoài chụp, đồng đội của ông gửi tặng mấy năm trước. Trong ảnh là người chiến sĩ đứng trước đầu xe tăng, khuôn mặt gầy gò, hốc hác, đầu và cánh tay trái còn vết máu chưa khô; bên cạnh có 2 người đội mũ cối đang nói chuyện, sau lưng là dinh Độc Lập. Ông Cử cho biết, người chiến sĩ bị thương ấy chính là ông, lúc này đang báo cáo chỉ huy Trung đoàn 203. Nhớ về kỷ niệm đặc biệt không thể quên này, ông Nguyễn Hữu Cử xúc động kể: “Trong giây phút khải hoàn, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Thời khắc đó, nhiều người, trong đó có tôi, không kìm được nước mắt. Sau bao năm chiến đấu nơi núi rừng gian khổ, chúng tôi đã thực hiện được lời dặn dò “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Bác Hồ”. Được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà là niềm vinh dự, tự hào để tôi giáo dục con cháu hôm nay”.

SONG THANH - NGUYỄN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/vao-dinh-doc-lap-khi-ao-con-tham-mau-826186