Vào hang mót vàng, mỗi ngày gom được 1 cây
Nghề mót vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) trở thành 'hot', khiến nhiều người mò vào đây tìm kiếm vận may đổi đời.
Công nhân thất nghiệp thành “vàng tặc”
Họ là những phu vàng bất đắc dĩ sau khi mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đóng cửa từ giữa tháng 6/2016. Để kiếm miếng cơm, những công nhân một thời của mỏ vàng Bồng Miêu trở thành “vàng tặc”.
Lê Q, trưởng một nhóm phu vàng gồm 3 người, kể rằng, trước anh là công nhân hầm lò của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu. Gần 1 năm nay, hàng trăm công nhân khai thác vàng như Q. thất nghiệp, chính thức gia nhập đội quân mót vàng, hay còn gọi là “vàng tặc”.
“Nghề chính của anh em công nhân hầm lò là đào quặng trong đường hầm. Nhà máy đóng cửa, thất nghiệp nên chúng tôi phải liều mạng tìm đường vào hầm sâu mót quặng để kiếm sống”, Lê Q. kể.
Nói là mót quặng vàng, song thực chất, nhóm của Lê Q. cũng như hàng chục nhóm khác, lên đến hàng trăm người. Họ khoét núi, tìm đường vào những hầm vàng đã đóng cửa của mỏ vàng Bồng Miêu để khai thác quặng, bất chấp lệnh cấm và truy đuổi cũng như hiểm nguy rập rình.
Nhiều nhóm phu vàng trang bị máy xay đá, đưa vào hầm sâu hàng chục km trong lòng núi, đào quặng xay ra đãi vàng. Do hệ thống hầm lò mỏ vàng Bồng Miêu chằng chịt như ma trận giữa lòng núi nên lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó.
Một phu vàng tên Thanh tặc lưỡi, nói sống chết có số cả. Nếu không vào núi mót quặng vàng thì chỉ có cạp đất mà ăn. Bởi, miền đất vàng này ai sinh ra và lớn lên đều sống nhờ nghề đào quặng tìm vàng. Nhiều thanh niên trở nên giàu có nhờ nghề “vàng tặc”.
Theo chân phu vàng, chúng tôi xâm nhập vào cửa hầm lò số 10 mỏ vàng Bồng Miêu. Từ đây là hàng trăm đường hầm dẫn vào núi vàng.
“Nếu người lạ đi vào đường hầm này rất dễ bị lạc, không tìm được đường ra. Song, nhờ hệ thống đường hầm chằng chịt như ma trận trong lòng núi này mà anh em tụi tôi sống khỏe. Mỗi chuyến nằm lì trong hầm đào quặng xay đá tại chỗ kéo dài cả tuần, nhóm cũng kiếm được chục cây vàng. Đó là chưa kể đào trúng vỉa quặng nhiều vàng thì đổi đời”, chủ một nhóm đào quặng 5 người tên T. kể.
T. kể, nghề “vàng tặc” hiểm nguy rập rình, có lúc phải đánh đổi mạng sống vì sập hầm, ngạt khí.
Hơn 30 năm mưu sinh với nghề “vàng tặc” này, T. cũng như nhiều thanh niên khác đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi nhà cửa, nuôi con ăn học và đang tính đến chuyện mua một chiếc ô tô.
“Nếu không bị truy quét, mỗi ngày 3 anh em chui xuống hầm đào khoảng 2 tấn quặng đá đem xay đãi kiếm cây vàng thô, bán được khoảng 22 triệu đồng, trừ chi phí mỗi anh em đút túi khoảng 3 đến 5 triệu. Còn nếu đào trúng vỉa quặng nhiều vàng thì khỏi nói, có ngày kiếm cả chục cây vàng là thường” - T. kể.
Chỉ mấy ngách đường hầm nằm sâu trong núi hơn 5 km, T. nói: “Cách đây 20 năm, những người làm vàng như anh thường trúng mánh bởi đào trực tiếp vào những ụ đất chống sập trong hầm lò nên vàng nhiều vô kể. Những ụ đất này đã được đào lấy quặng nên bây giờ hầm rất dễ sập”.
Ngoài cửa hầm lò số 10, còn có một cửa hầm lò khác đang có hàng trăm phu vàng túc trực ngày đêm, đó là cửa hầm lò số 7. Khu vực này đang nóng vì vàng nhiều vô kể. Tại đây, ngoài phu vàng chui xuống hầm sâu đào quặng còn có đội ngũ cõng quặng thuê.
Một người cõng quặng thuê tiết lộ mỗi chuyến anh được trả công 400.000 đồng. Mỗi ngày anh cõng 4 chuyến, đút túi 1,6 triệu đồng.
“Nghe thì dễ kiếm tiền, nhưng không phải dễ ăn, bởi người cõng quặng thuê phải thông thuộc đường đi lối lại trong hầm và phải có sức khỏe. Nếu không dễ bỏ mạng trong hầm sâu chẳng ai biết, ai hay”, anh này tiết lộ.
“Phố ngầm” khai thác vàng trong lòng núi
Hàng trăm nhóm “vàng tặc” hình thành tự phát từ khi mỏ vàng đóng cửa. Nhiều chủ còn bỏ hàng trăm triệu đồng mua máy xay, đưa tận vào hầm sâu hàng chục km rồi thuê nhân công, chuẩn bị hàng tấn lương thực, thực phẩm để phu vàng đào đá xay vàng và đãi lấy quặng ngay trong hầm lò.
Một phu vàng (giấu tên) kể rằng, hiện trong hầm sâu hơn 2 tiếng đi bộ là hàng chục máy nổ xay đá nổ ầm ào suốt ngày đêm, điện máy phát sáng rực như thành phố giữa lòng núi.
“Đem máy vào sâu trong hầm lò đào quặng, xay đá, đãi quặng không sợ truy bắt. Mỗi chuyến tụi tôi ở trong hầm lò cả tuần. Khi lực lượng truy quét rút là cõng đé (quặng vàng sau khi xay đá lọc bước 1) đưa lên mặt đất, tiếp tục công đoạn dùng hóa chất tách vàng kiếm hàng chục cây vàng là bình thường.” - phu vàng giấu tên kể.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho hay: “Tình trạng vàng tặc ở mỏ vàng Bông Miêu ngày càng phức tạp. Tháng qua, chúng tôi đã tổ chức 3 đợt truy quét, nhưng không thể ngăn chặn nổi.”
Qua 3 đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phá hủy 4 máy nổ, 2 máy xay đá, 3 máy bơm nước, 750 mét dây điện, 800 mét dây dẫn nước, 10.000 mét bạc phục vụ khai thác vàng trái phép. Đáng lo ngại khi phát hiện có đến 22 hồ chứa hóa chất độc hại, dung tích khoảng 270m3, nếu tràn ra ngoài rất nguy hiểm. Ít nhất, 200 người khai thác vàng đã bị đẩy đuổi ra khỏi khu vực.
“Hiện không chỉ dân địa phương mà cả người từ miền Bắc và các địa phương khác đổ về đây khai thác vàng. Chúng tôi rất lo lắng và đã báo cáo với cấp trên. Chính quyền địa phương đã làm hết cách rồi, nhưng không thể ngăn được”, ông Vinh nói.