Vào lớp 10 công lập không phải con đường duy nhất
Học sinh quay cuồng với ôn tập thi cử. Phụ huynh căng thẳng lo âu. Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 luôn là những ký ức khó quên của những gia đình từng cùng con vượt vũ môn.
Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội luôn được coi là một “cuộc đua chưa bao giờ giảm nhiệt” khi luôn chỉ có khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào các trường công lập. Kỳ thi vào lớp 10 tháng 6 tới, áp lực này lại càng lớn hơn khi năm học bị gián đoạn tới 3 tháng vì dịch COVID-19, số học sinh tăng đột biến. Trong khi nhiều học sinh, phụ huynh vẫn đang đau đầu để dành được 1 suất vào lớp 10 công lập.
Năm học này Hà Nội dự kiến có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS (tăng 19.000 so với năm ngoái) và gần 100.000 thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong số đó, chỉ có khoảng 62% học sinh đỗ suất học vào các trường công lập, số còn lại sẽ học các trường trung cấp nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống trường ngoài công lập…
Học sinh quay cuồng với ôn tập thi cử. Phụ huynh căng thẳng lo âu. Áp lực của kỳ thi vào lớp 10 luôn là những ký ức khó quên của những gia đình từng cùng con vượt vũ môn. Theo thầy Vũ Khắc Ngọc – Hệ thống giáo dục Học Mãi, áp lực không chỉ ở sự cạnh tranh, mà còn là kỳ vọng của phụ huynh khi muốn con mình thi vào được ngôi trường THPT công lập tốt nhất.
Bởi vì bản chất của áp lực khi học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 nằm ở tính cạnh tranh của kỳ thi khi các em chỉ có một lần thi duy nhất để định đoạt kết quả là mình sẽ được vào ngôi trường nào. Trong khi đó, hầu như phụ huynh nào cũng mong muốn con mình thi vào được ngôi trường tốt nhất nên áp lực đối với các em càng rất lớn.
Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, vào lớp 10 công lập không phải con đường duy nhất, các em còn nhiều con đường lựa chọn khác: "Hiện nay chúng ta thấy nói đến thi vào 10 là nói đến thi lớp 10 công lập. Thực tế hiện nay, trong khối ngoài công lập có rất nhiều trường dân lập có kết quả học tập tốt, có những môi trường lý tưởng đáng mơ ước, tính cạnh tranh cũng rất cao, các bạn được đầu vào không hề đơn giản. Tại sao chúng ta không tổ chức 1 kỳ thi chung giữa khối dân lập và công lập để gạt bỏ sự phân biệt đó. Hiện nay tôi thấy vẫn có sự phân biệt, ngay trong suy nghĩ của người lớn thôi đối với việc học nghề, đối với việc học dân lập. Nếu như suy nghĩ đó được cởi bỏ đi, mọi người cởi mở hơn thì áp lực vào trường công sẽ giảm đi rất nhiều".
Để “giảm nhiệt” kỳ thi vào lớp 10, TS Lê Đông Phương – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, cần phải thay đổi căn bản vấn đề giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông.
"Chúng ta không nên đợi đến lớp 9 mới làm công tác giáo dục hướng nghiệp, mà cần phải làm sớm hơn. Bởi vì kinh nghiệm của các nước phân luồng hướng nghiệp phải làm khá sớm. Điều thứ 2 là hoạt động giáo dục hướng nghiệp là hoạt động tổng thể, kết hợp của nhiều lực lượng khác nhau. Trong đó có giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, có chuyên gia phụ trách riêng công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, cũng như sự phối hợp của các đơn vị đào tạo gồm các trường trung cấp, các trường cao đẳng nghề, các trường THPT... để cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời từ đó phụ huynh và học sinh đi ra quyết định về nghề nghiệp cho tương lai".
Thực tế vẫn còn nhiều cánh cửa sáng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Bên cạnh hệ thống trường THPT dân lập, các trường nghề vẫn đang rộng mở với các em. Mô hình 9+ không chỉ giúp phân luồng học sinh mà đang dần góp phần hạ nhiệt cho kỳ tuyển sinh vào 10. Vì vậy, phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận để không tạo áp lực quá lớn cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc, sức lực của các em vừa ảnh hưởng đến sự lựa chọn hướng đi của học sinh trong tương lai./.