Vào mùa biển mới

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ sau Tết Nguyên đán, ngư dân các địa phương trong tỉnh lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, sẵn sàng cho mùa biển mới. Ngay từ đầu năm 2020, thời tiết tương đối thuận lợi, nắng ấm xuất hiện sớm nên ngư dân trong tỉnh bước vào vụ đánh bắt thủy sản sớm hơn mọi năm.

 Chuyển đá lạnh xuống tàu trước khi ra khơi đánh bắt. Ảnh: LA

Chuyển đá lạnh xuống tàu trước khi ra khơi đánh bắt. Ảnh: LA

Là một trong những thuyền trưởng có nhiều kinh nghiệm của xã Gio Việt, ngay từ trước Tết Nguyên đán, ngư dân Trần Hồng Lĩnh, chủ tàu cá QT 93599TS ở tại thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh đã cùng với các bạn thuyền tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ, tu sửa máy móc, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ra khơi đánh bắt khi thuận lợi. Tranh thủ phút nghỉ ngơi sau khi cùng với bạn thuyền chuyển xong toàn bộ số lượng đá lạnh xuống hầm chứa để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày, anh Lĩnh cho biết: Mỗi con tàu sau một năm dài đánh bắt đều có những hỏng hóc phải lên đà, tu sửa. Do vậy, để sẵn sàng cho mùa biển mới, không chỉ anh mà nhiều ngư dân khác trong xã đã tiến hành cải hoán, nâng cấp tàu cá. Năm nay, ngoài nâng cấp lại giàn lưới vây dài gần 500m, anh còn đầu tư gần 150 triệu đồng phủ composite toàn bộ con tàu để yên tâm bám biển dài ngày. Đá lạnh, dầu máy và các loại nhu yếu phẩm khác cũng được anh đặt sẵn ở các đại lý, chờ thời tiết thuận lợi là xuất bến ra khơi đánh bắt. Nhờ chuẩn bị sẵn sàng từ đầu vụ nên ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tàu cá của anh đã ra khơi đánh bắt được hơn 30 tấn cá cơm, trừ chi phí mỗi bạn thuyền được chia hơn 12 triệu đồng. “Sau khi trúng đậm cá cơm thì mấy ngày nay tàu cá của tôi lại liên tiếp đánh được cá bè vàng. Với những tín hiệu khả quan ngay từ đầu vụ như thế này hy vọng mùa biển năm nay sẽ mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng để ngư dân đánh bắt trúng nhiều mẻ cá lớn. Đồng thời cũng mong các thương lái thu mua cá với giá hợp lý để chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm vươn khơi bám biển, qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Lĩnh nói.

Là một trong những địa phương có đội tàu cá hùng hậu nhất tỉnh với hơn 100 tàu thuyền các loại, trong đó có 40 tàu cá xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên, những ngày này, tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh các ngư dân đang tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm để sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi, bám biển dài ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải cho biết: Năm 2019 mặc dù sản lượng đánh bắt tăng so với năm 2018 nhưng khó khăn về đầu ra lẫn giá cá có những thời điểm giảm thấp khiến thu nhập của ngư dân bị ảnh hưởng đáng kể. Có thời điểm nhiều tàu cá của ngư dân gặp thua lỗ khi cá cơm, cá nục giảm chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg. Hàng ngàn tấn cá khô trong các kho lạnh của các cơ sở thu mua và chế biến cá hấp bị tồn đọng dài ngày. Để giải quyết khó khăn này, UBND xã đã vận động ngư dân mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ, đa dạng hóa các nghề khai thác để phù hợp với từng mùa vụ đánh bắt.

Theo kế hoạch, năm 2020 xã Gio Việt đề ra chỉ tiêu khai thác hơn 3.200 tấn hải sản các loại. Để đạt được chỉ tiêu đó, ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo ngư dân chuẩn bị các điều kiện về nguyên liệu, ngư lưới cụ, nhân lực và máy móc, tàu thuyền; lắp đặt thêm các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy dò ngang, máy giám sát hành trình… nhằm đảm bảo có thể bám biển dài ngày tại các ngư trường xa với hiệu quả cao nhất. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc hỗ trợ ngư dân mở rộng ngư trường, tìm kiếm các ngư trường mới cũng như hướng dẫn những phương pháp khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều ngư dân đã trúng đậm các chuyến biển với hàng chục tấn cá duội, mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng mỗi tàu. Đây chính là động lực để ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt đạt sản lượng cao, nhất là khi mà ngư dân đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa vụ mới như hiện nay”, ông Hải khẳng định.

Theo thống kê của huyện Gio Linh, toàn huyện hiện có 939 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, với tổng công suất 80.474 CV, trong đó có 169 tàu xa bờ. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân trong việc đầu tư đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, tăng năng lực đánh bắt của tàu xa bờ; mua sắm thêm lưới nghề và các phương tiện phục vụ đánh bắt, thông tin liên lạc... Duy trì và phát triển đội tàu khai thác xa bờ, tổ tự quản bến bãi tàu thuyền hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển. Các dịch vụ hậu cần hỗ trợ khai thác như cảng cá, bến cá tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Nhờ vậy, năm 2019, sản lượng thủy sản đánh bắt của huyện đã đạt gần 14.000 tấn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Nghi cho biết: Những tháng đầu năm 2020, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư trường ổn định, nguồn thủy hải sản phong phú nên ngư dân trong huyện đã đẩy mạnh khai thác đạt sản lượng và giá trị cao. Để hỗ trợ ngư dân, ngoài các các chính sách của nhà nước như Nghị định 67, Nghị định 17, Quyết định 48…, huyện Gio Linh đã chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc hỗ trợ ngư dân bám sát ngư trường, phát hiện ngư trường mới; các điều kiện về đảm bảo an toàn tàu cá như máy giám sát hành trình, máy liên lạc tầm xa, nhật ký khai thác điện tử... nhằm đảm bảo cho ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày ở các ngư trường xa với hiệu quả cao nhất. “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế vùng biển huyện Gio Linh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; đề án chuyển đổi sinh kế cho ngư dân vùng biển. Tổ chức lễ ra quân khai thác cá vụ Nam tại các địa phương vùng biển vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá Việt Nam 1/4 (1959 - 2020). Đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên biển trong việc tìm kiếm ngư trường, vươn ra khơi xa, bảo đảm thông tin liên lạc nhằm bảo vệ sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh trú bão an toàn”, ông Nghi cho biết thêm.

Năm 2020, toàn tỉnh đặt chỉ tiêu khai thác hơn 27.000 tấn thủy sản. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp đang triển khai nhiều biện pháp tổ chức sản xuất theo hướng bền vững như phối hợp với các địa phương cấp phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thủy sản cho ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn cho tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác cho ngư dân; hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân về đào tạo, quản lý tàu cá, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển; khuyến khích ngư dân đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ khai thác với công nghệ hiện đại, từng bước đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết: Tranh thủ điều kiện thời tiết, ngư trường và mùa vụ đánh bắt, trong 2 tháng đầu năm 2020, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung khai thác các nghề lưới rê đánh bắt cá thu, cá ngừ; nghề pha xúc khai thác cá cơm và nghề lưới chụp khai thác mực ống… tại các ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ và khu vực vịnh Bắc Bộ với sản lượng đánh bắt gần 3.620 tấn. Trong đó, chỉ riêng trong những ngày đầu tháng 2/2020 ngư dân ở các xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt đã đánh bắt đạt hiệu quả cao với nghề pha xúc khai thác cá cơm. Bình quân một chuyến biển từ 1 - 2 ngày có thể đạt từ 4 - 5 tấn/tàu; ước tổng sản lượng cá cơm khoảng 2.500 tấn; với giá bán từ 14.000 - 17.000 đồng/kg thì trung bình mỗi chuyến biển một tàu có thể đạt doanh thu từ 50 - 80 triệu đồng. Cùng với các hoạt động hỗ trợ, ngành Nông nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền giúp ngư dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác thủy sản trên biển. Triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường độ khai thác, góp phần vào chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) như đánh dấu tàu cá, lắp đặt máy giám sát hành trình, cấp giấy phép khai thác thủy sản, thu nộp nhật ký khai thác thủy sản, cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản… “Với sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo ngay từ đầu vụ của ngư dân, sự hỗ trợ kịp thời của ngành Nông nghiệp, tin tưởng rằng ngư dân toàn tỉnh sẽ có một vụ đánh bắt bội thu”, ông Nam khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146552