Vào mùa mưa, cùng nhau đi săn ếch

Miền Tây Nam Bộ đã vào mùa mưa, thuận lợi cho nhiều sản vật có trong tự nhiên như ếch, nhái, cua đồng, lươn, rắn… sinh sôi nảy nở. Những lúc nông nhàn, nhiều người dân đã ra đồng săn tìm chúng để làm thức ăn và bán kiếm tiền.

Vùng ĐBSCL vừa trải qua mùa khô vô cùng khắc nghiệt nên khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, đất đai, tự nhiên và con người như được giải cơn khát kéo dài suốt nhiều tháng. Đó cũng là lúc những loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái lũ lượt chui ra khỏi hang để “tắm mát” và tìm kiếm thức ăn. Nắm bắt được đặc tính này, nhiều người bắt đầu sắm sửa dụng cụ để bắt ếch. Dụng cụ của “thợ săn” ếch nhái khá đơn giản, gồm chiếc đèn pin, chiếc loa pin nhỏ phát âm thanh dẫn dụ ếch nhái và một cái bao đựng là có thể đi săn.

Đầu mùa mưa là thời điểm ếch đồng xuất hiện nhiều - Ảnh: T.H

Đầu mùa mưa là thời điểm ếch đồng xuất hiện nhiều - Ảnh: T.H

Anh Văn Công Lý ngụ TP.Cà Mau, người có thâm niên gắn bó với nghề bắt ếch cho hay: “Trước đây chỉ cần đèn pin và một cái bao là có thể săn ếch. Có người còn dùng chĩa để bắt ếch, nhưng như thế sẽ làm ếch bị thương, bán giá không cao. Vì vậy, chỉ cần dùng đèn pin thật sáng, khi phát hiện con ếch, mình rọi đèn chiếu thẳng vào là chúng nằm im, ta chỉ việc túm bỏ vào bao thôi”.

Anh Lý kể, để bắt được nhiều ếch nhái, người ta nghĩ ra cách thu tiếng ếch kêu, chờ khi đêm đến, “thợ săn” ra đồng đặt chiếc loa rồi bật tiếng ếch kêu để dẫn dụ chúng lại. Khi đó, họ chỉ việc soi đèn túm ếch cho vào bao. “Ếch, nhái đồng hiện rất được giá. Ếch loại 4 - 5 con/kg có giá 130.000 đồng/kg; nhái thì rẻ hơn, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Người ta mua nhiều, có hôm không đủ bán. Hôm nào vô mánh tôi kiếm tiền triệu, còn tệ lắm cũng được vài ba trăm”, anh Lý kể.

Ếch đồng thường có trọng lượng từ 4 - 5 con/kg - Ảnh: T.H

Ếch đồng thường có trọng lượng từ 4 - 5 con/kg - Ảnh: T.H

Ông Hồ Thanh Tiền, một “thợ săn” ếch lão luyện ở Cà Mau cho biết, đầu mùa mưa là thời điểm ếch, nhái chui ra khỏi hang sau thời gian dài trú ẩn vì khô hạn. Chúng di chuyển khắp cánh đồng, tập trung đông nhất ở những nơi trũng thấp. “Nắm bắt được đặc tính của loài này, khi đêm đến ta đem loa đặt ở vị trí thích hợp rồi bật tiếng kêu, đợi một lúc chúng tụ lại mình tha hồ bắt, chứ đâu cần phải đi tìm từng con như trước đây. Chiếc loa là sự cải tiến, tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn của anh em thợ săn đấy”, ông Tiền cho biết.

Những ngày này, từ 8 giờ tối đến khuya, nếu đi ven những cánh đồng lúa ở các xã Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), Tân Lộc (huyện Thới Bình)… ta dễ dàng bắt gặp nhiều người đội đèn trên đầu soi rọi săn ếch, tiếng ếch nhái rền vang... Với nhiều người, săn ếch là một sinh kế, giúp họ tăng thu nhập.

Những người "thợ săn" giỏi mỗi đêm đút túi từ khoảng 1 triệu đồng từ việc bán ếch - Ảnh: T.H

Những người "thợ săn" giỏi mỗi đêm đút túi từ khoảng 1 triệu đồng từ việc bán ếch - Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Hải Phòng ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết: “Mỗi đêm người bắt ếch bắt khoảng 2 - 4kg, bán từ 100.000 - 130.000 đồng/kg. Tùy vào việc bán lẻ hoặc bán cho thương lái mà giá có thể cao hoặc thấp hơn vài nghìn đồng/ký. Những lúc mưa không đi làm được thì đi soi ếch được xem là cách mưu sinh của gia đình tôi".

Nghe ông Phòng kể, bất giác tôi nhớ tới những món ếch chiên bơ, ếch xào sả ớt, ếch nấu lá me non…

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vao-mua-mua-cung-nhau-di-san-ech-217820.html