Vào mùa thu hoạch quả trẩu
Thời điểm này, người dân một số xã ở huyện miền núi Hướng Hóa đang bước vào vụ thu hoạch quả trẩu. Những năm trở lại đây, nhận thấy cây trẩu có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng và cho nguồn thu nhập khá, nhiều gia đình đã quyết định mở rộng diện tích trồng thay vì chỉ thu hái từ rừng tự nhiên như trước đây.
Hiện nay, hạt trẩu dùng để chiết xuất dầu có giá trị nên người dân thường giữ lại và trồng thêm cây mới trên nương rẫy. Hằng năm, cứ bắt đầu vào giữa tháng 10 là người dân ở các bản làng một số xã của huyện Hướng Hóa lại tất bật đi thu hái quả trẩu. Chị Hồ Thị Thông ở thôn Mới, xã Hướng Sơn có 1,5 ha đất rẫy chủ yếu trồng cây trẩu, nhiều năm qua đã cho gia đình chị nguồn thu nhập khá ổn định. Theo chị Thông, hạt trẩu tươi hiện nay có giá bán từ 8 - 10 nghìn đồng/kg nên mỗi ngày gia đình chị có thể kiếm được từ 300 - 350 nghìn đồng từ loại cây này.
Chị Thông cho biết thêm: “Gia đình tôi trồng trẩu từ 4 năm nay, trước đây cây trẩu không có giá trị và người dân không mặn mà lắm nhưng thời gian gần đây giá hạt trẩu tăng khá cao nên ai cũng trồng thêm ngoài việc đi vào rừng thu hái khi vào mùa. Nhờ có nguồn thu nhập khá từ hạt trẩu ở rẫy mà gia đình tôi có cuộc sống khấm khá hơn, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt và chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Trẩu là loại cây quen thuộc với người dân vùng cao Quảng Trị từ lâu, được trồng quanh nương rẫy để che chắn gió, hạt trẩu được ép lấy dầu dùng trong công nghiệp sơn, keo. Hiện nay toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 240 ha trẩu nằm rải rác tại các xã Húc, Hướng Tân, Hướng Phùng và Hướng Sơn. Quả trẩu được giá cao khi đã khô và rụng dưới gốc cây nên thương lái rất ưa chuộng loại quả khô tự nhiên.
Anh Vũ Đức Cảnh, một thương lái thu mua quả trẩu trú tại thôn Mới, xã Hướng Sơn cho biết, khi đầu tư trồng được cây trẩu quanh nương rẫy, bà con dân bản sẽ tận dụng thu hái được nguồn quả bán lấy tiền và có thu nhập khá ổn. Theo anh Cảnh, những năm gần đây, người dân tại một số xã ở vùng Bắc Hướng Hóa ngoài việc vào rừng thu hoạch trái trẩu tự nhiên từ rừng thì còn thu hái tại rẫy của gia đình và tích cực trồng thêm nhiều cây mới. Nhờ vậy mà sản lượng thu mua của anh Cảnh và nhiều thương lái khác trong vùng ngày càng tăng lên, giá thành quả trẩu cũng ổn định nên cả người dân và người thu mua như anh Cảnh có thêm nguồn thu nhập khá vào mỗi mùa trẩu.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết, những năm qua cây trẩu đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện và các cấp hội nông dân cơ sở sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì, tận dụng đất đai để mở rộng diện tích cây trẩu, đồng thời vừa chú trọng bảo vệ cây trẩu trong tự nhiên. Cây trẩu có lợi ích kép, vừa là cây trồng có vai trò quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa mang lại nguồn thu nhập để giúp người dân cải thiện đời sống vì vậy cần được nhân rộng tại các địa bàn phù hợp”, ông Toàn chia sẻ.
Với khả năng thích nghi cao như chịu được hạn, lớn nhanh kể cả trên mặt đất khô cằn nên cây trẩu đang được xác định là cây có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào vùng cao. Đây cũng là loại cây trổ hoa trắng rất đặc trưng, mỗi mùa hoa thường tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp trên những cung đường đèo dốc, những nương rẫy ở một số xã phía Bắc Hướng Hóa. Vì vậy, hiện nay huyện Hướng Hóa cũng định hướng trồng trẩu trên các vùng đất trống, đất đồi dốc để vừa giữ đất, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.