Vào 'rốn lũ' tiếp tế lương thực

Tiếp cận 'rốn lũ'

Tiếp cận "rốn lũ"

Cẩm Duệ Với việc hồ Kẻ Gỗ xả tràn với lưu lượng có lúc lên đến hơn 1.000m3 / s, xã Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; Cẩm Duệ được xem là "rốn lũ" trong "tâm lũ" Cẩm Xuyên. Xã có 12 thôn thì có đến 11 thôn với 2.100 hộ đang ngập sâu trong nước, trong đó có 1.800 hộ đang ngập sâu gần 2m khiến nhiều hộ đang mắc kẹt, đối diện với cái đói, cái rét.

Sau 4 ngày lũ về, Cẩm Duệ hiện vẫn còn chìm trong biển nước. Để tiếp cận Cẩm Duệ, đoàn chúng tôi phải sử dụng xe tải, xe gầm cao, bởi đường vẫn ngập nước và chảy xiết. Con đường nhựa vốn phẳng phiu, nép mình giữa cánh đồng lúa chín nay bị sứt mẻ như chiếc lưỡi cưa bởi dòng chảy của "thủy tặc". Cạnh UBND xã, thôn Trần Phú vẫn chìm trong biển nước, là điểm khởi đầu của những chiếc thuyền đầy ắp nhu yếu phẩm để tiếp tế cho hàng ngàn người dân của 11 thôn bên trong.

Lê Nam và những người bạn tiếp tế lương thực cho người dân xã Cẩm Duệ.

Lê Nam và những người bạn tiếp tế lương thực cho người dân xã Cẩm Duệ.

Đứng nép mình bên bờ tường rêu rĩ úa màu nước lũ, anh Hồ Văn Ký (thôn Trần Phú) run rẩy xúc từng muỗng xôi ăn ngấu nghiến. Anh cho biết, 4 ngày nay cật lực dùng thuyền chở bà con đi tránh lũ, giờ mới có miếng xôi của đoàn cứu trợ đưa lót dạ. "Do mưa lớn cộng với Kẻ Gỗ xả tràn, nước lũ đổ về rất nhanh làm bà con trở tay không kịp. Tôi cùng nhiều người khác cật lực dùng thuyền nhỏ để vận chuyển bà con từ vùng trũng thấp lên nơi cao hơn để tránh lũ. Dù mệt, dù đói, nhưng giúp được người khác là tôi vui rồi"- anh Ký thỏ thẻ nói.

Do ở đầu nguồn hồ Kẻ Gỗ nên nước chảy xiết, sau 4 ngày ngâm nước, chịu đói chịu rét, khi nước bắt đầu rút, dòng chảy cũng nhẹ hơn nên các đoàn cứu trợ mới tiếp cận được Cẩm Duệ. Thôn Phan Châu Trinh- nơi có 230 nhà dân vẫn chìm trong biển nước. Để giúp chúng tôi trao những thùng mì tôm, nước uống, bánh kẹo đến tận tay bà con, nhiều thuyền nhỏ của người dân địa phương đã tích cực hỗ trợ. Tiếp nhận quà cứu trợ từ đoàn, anh Võ Tá Nam cho biết: "Nước lũ ập vào nhanh quá, may mà gia đình vừa sắm thuyền nhỏ. Từ tối ngày 18- 10 đến giờ, thuyền chở hàng trăm lượt người đến các địa điểm di dời. Một số nhà hiện vẫn còn người ở lại để bảo vệ tài sản nên tôi chèo thuyền vào tiếp tế lương thực và nước uống cho mọi người".

Đón nhận một thùng mỳ tôm và 6 hộp xôi từ thuyền cứu trợ của chúng tôi, anh Trần Văn Hoa (thôn Quốc Tiến) ứa nước mắt: "Lũ ập về quá nhanh, 6 người trong gia đình chúng tôi chịu đói mấy ngày nay vì không kịp trở tay. Cùng đó, trâu, lợn, gà bị trôi; lúa bị ướt hết cả rồi".

Tại thôn Phú Thượng, anh Phạm Văn Dũng rầu rĩ cho biết: "1,5 tạ lúa giống bị trôi; toàn bộ lúa ăn bị ngập ướt hết, không biết mai này lấy gì mà ăn đây". Cũng giống như anh Dũng, anh Nguyễn Văn Việt cũng trở tay không kịp đành bất lực nhìn 5 tấn lúa bị nước lũ nhấn chìm; hơn 100 con gà bị nước cuốn trôi.

Vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cơn lũ lịch sử này, anh Phan Thanh Hà (thôn Tân Mỹ) cho biết: "Lũ năm 2010 được xem là lịch sử khi nhà bị ngập hơn 1,5m. Nhưng cơn lũ này còn khủng khiếp hơn với mức nước lên tới gần 3m. Nước lũ thì lên nhanh, dân chúng tôi chẳng kịp phản ứng gì, đành nhìn tài sản trôi theo dòng nước".

Nghĩ lại thời khắc thấy 2 đứa con chới với giữa dòng nước lũ, anh Nguyễn Huy Cường vẫn còn kinh sợ. "Nước lũ dâng quá nhanh, tôi đang dọn đồ đạc lên gác thì 2 đứa con (đứa 10 tuổi, đứa 2 tuổi) bị sụp vào hố sâu. May tôi phát hiện kịp thời chạy ra cứu 2 con vào. Suýt chút nữa tôi đã mất 2 người con"- anh Cường kể lại.

Tương tự như các hộ dân khác, ông Nguyễn Huy Nhung (thôn 2) cũng bất lực nhìn tài sản trong nhà trôi theo dòng nước lũ. "Nhà được 1 con trâu đực để sản xuất nhưng lũ cuốn mất rồi, 2 tấn lúa, rồi gà vịt cũng bị chìm trong nước, bị cuốn trôi. Nước lũ cuốn trôi hết cả rồi chú ơi"- ông Nhung nghẹn ngào. Được biết, nhà ông Nhung có 4 người con đang làm ăn trong miền Nam, vợ ông cũng vào chăm cháu được hơn 1 tuần thì lũ về. Ở nhà chỉ mình ông nên khi lũ về không kịp xoay xở. Tài sản duy nhất ông giữ lại được là con lợn nái…

Thấy thuyền cứu trợ, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Quốc Tiến) reo lên vui mừng. "Lũ về nhanh quá, gia đình tôi không kịp di tản, được con bò thì trôi mất rồi. 4 ngày nay cả gia đình 6 người nhịn đói, tôi thương mấy đứa cháu nhỏ của tôi lắm, nước sạch hết rồi, khát quá phải múc nước lũ uống cầm chừng".

Ông Phạm Văn Thân- Bí thư, thôn trưởng thôn Quốc Tiến cho biết: "Nhiều lợn, gà và trâu, bò của bà con 11 thôn tại xã Cẩm Duệ đã bị cuốn trôi, lúa ngâm trong nước lâu ngày mọc mầm hết. 4 ngày qua ngập sâu trong nước nên hầu như 11 thôn không có lương thực, thực phẩm. Thiếu nước sạch để uống. Hôm nay nước rút bớt nên bà con được cứu trợ kịp thời".

Hộp xôi cứu trợ như chiếc phao cứu sinh đối với anh Ký.

Hộp xôi cứu trợ như chiếc phao cứu sinh đối với anh Ký.

"Hướng về Quảng Bình"

Trên các tuyến đường hướng về Quảng Bình cũng như miền Trung, những ngày này có nhiều đoàn xe từ các tỉnh thành trong cả nước chở hàng "Cứu trợ miền Trung", "Hướng về Quảng Bình"... đổ về Quảng Bình.

Tại ngã ba Võ Xá, xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, hàng chục đoàn cứu trợ đang khẩn trương liên hệ các xuồng, thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ đến đồng bào vùng rốn lũ xã Hàm Ninh một cách nhanh nhất. Việc tìm kiếm được đội thuyền đi đến vùng rốn lũ khá khó khăn bởi số lượng tàu thuyền rất ít, nhiều đoàn phải chờ cả ngày trời mới tới lượt nhưng tất cả không vì thế mà nản lòng. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An) cho biết, đoàn có 6 người, xuất phát ở TP Vinh từ 5 giờ đến đây lúc hơn 9 giờ nhưng mãi đến chiều mới tìm được thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ vào cho bà con. Dù rất vất vả nhưng mọi người trong đoàn đều rất vui vì những phần quà đã được chuyển đến tay đồng bào vùng lũ, chia sẻ được phần nào sự khó khăn, mất mát của bà con.

Tại ngã ba Cam Liên, xã Liên Thủy, H.Lệ Thủy, hàng trăm xe tải lớn nhỏ đủ kích cỡ của đồng bào trong cả nước tham gia cứu trợ. Các nhu yếu phẩm và đồ dùng cần thiết đang được tập kết ở đây để sau đó chuyển lên thuyền, ca nô đưa đến các vùng quê biệt lập do nước lũ.

X.S- D.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_233405_vao-ron-lu-tiep-te-luong-thuc.aspx