VASEP kiến nghị gỡ khó cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp

Không chỉ gặp khó ở thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản còn gặp khó với một số cơ chế, chính sách trong nước.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, cơ quan thường trực Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính về việc tổng hợp tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản 9 tháng đầu năm và các vướng mắc, khó khăn hiện tại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Một số kiến nghị nổi bật của VASEP trong công văn này bao gồm:

Bất cập quy định liên quan áp trần chi phí lãi vay

Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và DN vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. VASEP kiến nghị:

Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, … để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản

Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Thông tư 02) ngày 10/01/2022 của Bộ TN&MT, bùn thải thủy sản có mã chất thải là 14.03.04 và là chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý (ký hiệu là TT), không được coi là chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế (ký hiệu là TT-R). Điều này khiến cho bùn thải thủy sản không thể giao làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón mà phải giao cho các công ty xử lý, chủ yếu dưới 2 hình thức là chôn lấp hoặc đốt, vừa gây lãng phí nguồn lợi, vừa tăng thêm ô nhiễm môi trường.

VASEP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét đưa bùn thải thủy sản vào loại chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế và cấp ký hiệu (TT-R) như quy định tại khoản 3, điều 24, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ để các nhà máy thủy sản có thể giao cho các nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất.

Quan ngại trong thực thi EPR và định mức chi phí tái chế (Fs) cao tại Dự thảo QĐ của Thủ tướng Chính phủ

Cộng đồng DN nói chung và các DN ngành hàng thủy sản nói riêng bày tỏ quan ngại trong cách thức thực thi EPR và định mức chi phí tái chế (Fs) cao.

VASEP kiến nghị Bộ TN&MT xem xét điều chỉnh và sửa đổi các nội dung đang vướng mắc trong Dự thảo Quyết định, trong đó:xem xét lại định mức chi phí tái chế (Fs): áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị, vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại (gồm cả nhôm và sắt), bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo); áp dụng hệ số Fs 0,2-0,45 cho các loại bao bì: thủy tinh, nhựa cứng PET, nhựa cứng HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm và bao bì giấy hỗn hợp.

Về chính sách thuế TNDN đối với DN ngành thủy sản

Sau nhiều năm vướng mắc liên quan việc áp mức thuế TNDN cao tới 20% tại Cục thuế nhiều địa phương do Cục thuế xác định sản phẩm thủy sản là từ “hoạt động sơ chế”, sau kiến nghị của VASEP và tham vấn ý kiến của Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT thì ngày 12/3/2021 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2550/BTC-TCT v/v chính sách thuế TNDN gửi Bộ NNPTNT và VASEP, đã xác định rõ “là hoạt động chế biến thủy sản” làm căn cứ để các Cục thuế xác định ưu đãi thuế TNDN theo quy định hiện hành.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính sớm đưa nội dung xác định trên vào văn bản QPPL để thực hiện thống nhất theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12-3-2021 của Bộ Tài chính.

Bất cập về mức đóng BHXH và kinh phí công đoàn

Trong bối cảnh cuộc sống người lao động còn khó khăn và các DN đang suy giảm sản xuất, các khoản tính gộp vào lương để đóng BHXH cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nâng cao đời sống cho người lao động.

VASEP kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có ý kiến đề xuất với Quốc hội: (i) giảm mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng tương đương của năm 2009, tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20% (thay vì mức 25,5% như hiện nay); (ii) đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động còn 0,5% và của người sử dụng lao động còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế; và (iii) đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Đức Mạnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vasep-kien-nghi-go-kho-co-che-chinh-sach-cho-doanh-nghiep-post109721.html