VASEP: Quy định 'cá ngừ nửa mét' gây nhiều hệ lụy cho ngư dân và doanh nghiệp

VASEP cho rằng, Nghị định 37 có hiệu lực cách đây 2 tháng đang ngày càng tác động sâu sắc đến ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp cá ngừ, khiến doanh nghiệp có thể mất cơ hội tận dụng cơ hội thuế 0% mà EVFTA mang lại.

Quy định kích thước nửa mét gây khó cho doanh nghiệp

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đồng kính gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan... báo cáo, kiến nghị một số quy định bất cập tại Nghị định số 37 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26 hướng dẫn Luật Thủy sản.

Liên quan tới quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), quy định này đối với một số loài hải sản khai thác là không phù hợp.

Điển hình là cứ ngừ vằn, đang quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 500mm. Theo quy định về chống khai thác IUU tại Điều 60 Luật Thủy sản, quy định này đồng nghĩa việc khai thác, thu mua, xác nhận và xuất khẩu cá ngừ vằn có kích thước dưới 500mm là hành vi IUU, tức là bất hợp pháp, không theo quy định.

Theo VASEP, trong hai tháng kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực vào ngày 19/5/2024, một số DN cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không bảo đảm kích cỡ 100% đạt 500mm trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.

Kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực vào ngày 19/5, một số DN cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không bảo đảm kích cỡ 100% đạt 500mm trở lên.

Kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực vào ngày 19/5, một số DN cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không bảo đảm kích cỡ 100% đạt 500mm trở lên.

Diễn biến tác động tiêu cực của quy định trên đang ngày càng sâu sắc đến các ngư dân khai thác ngừ vằn. Còn cộng đồng nhóm DN cá ngừ cũng đang không thể thu mua và tích trữ ngừ vằn chuẩn bị cho sản xuất cuối năm để cung ứng cho thị trường châu Âu vào đầu năm 2025. Lợi thế vượt trội lúc này cho các DN Việt Nam là tận dụng cơ hội thuế 0% mà EVFTA mang lại.

Hệ lụy mà VASEP và cá DN cà ngừ quan ngại với quy định trên là nếu quá trình thực thi pháp luật, như trường hợp cá ngừ nửa mét kể trên, không triệt để trong giai đoạn Nghị định 37 đang hiệu lực với khai thác, tàu cá ra – vào, kích thước cá nhỏ hơn quy định cập bến thì tiềm ẩn rủi ro rất lơn khi Việt Nam chưa rút được thẻ vàng IUU và EU đang tiếp tục xem xét, thanh tra công tác thực pháp luật thủy sản của Việt Nam.

Một quan ngại nữa được các VASEP chỉ ra là quy định trên có thể tác động đến sự hiện diện của ngư dân khai thác biển trên các vùng biển-đảo của Việt Nam. Vì quy định kích thước tối thiểu trên mà tàu cá Việt Nam không khai thác được nhưng tàu cá các nước lân cận vẫn được khai thác bình thường bởi các nước không có quy định giống Việt Nam.

Cho rằng quy định trên có tác động lớn đến sinh kế, sản xuất kinh doanh bình thường của ngư dân và từ những phản ánh, phân tích của DN, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 trong thời gian sớm và phù hợp nhất.

Trong thời gian chờ sửa Nghị định, do mùa vụ cao điểm của cá ngừ vằn chỉ đến cuối tháng 9, để tránh tạo cú sốc với ngư dân và cố gắng giữ lợi thế nguồn cung cho châu Âu trong EVFTA, VASEP đề nghị Thủ tướng xem xét và có văn bản chỉ đạo điều hành, giải quyết vấn đề trên trong thời gian chờ sửa nghị định.

Những bất cập khác tại Nghị định 37

Các DN thành viên VASEP cũng nêu bất cập về quy định kiểm soát hàng container nhập khẩu, quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Hiệp hội và các DN thủy sản không tìm thấy định nghĩa nào trong Luật Thủy sản hay các văn bản hướng dẫn liên quan đến quy tình này và rất lúng túng không biết áp dụng như nào cho đúng.

"Cấm “trộn lẫn nguyên liệu..." không biết có bao hàm cả “trộn lẫn thành phẩm..." hay không? Và nếu cả 2 nguồn nguyên liệu đó DN đều không vi phạm IUU, đều có hồ sơ kiểm soát được, truy xuất được thì có “bị cấm...” không?", VASEP băn khoăn.

Do vậy, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 tại một số nội dung trong thời gian sớm và phù hợp, bảo đảm tạo điều kiện cho DN thực hiện chống khai thác IUU tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các trách nhiệm cũng như quyền tự chủ kinh doanh của DN.

Liên quan đến quy định kiểm soát hàng container nhập khẩu, VASEP cho rằng, quy định thông báo trước khi cập cảng 48 giờ (đối với tàu container nhập khẩu) tại Nghị định 37 đang khiến các DN băn khoăn vì thực tiễn sẽ không phù hợp cho những chặng vận chuyển ngắn của tàu và container.

Hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng và Bộ NN&PTNT chỉ đạo sửa đổi, bổ sung vào Điều 70b Nghị định 37 để thực hiện đầy đủ, phù hợp với thủ tục hành chính. Cần quy định rõ các trường hợp như nào thì DN sẽ bị hậu kiểm, kiểm tra sau thông quan. Ngoài ra, bổ sung cơ chế, quy định cho DN thông báo kê khai điều chỉnh bổ sung thông tin hoặc bổ sung giấy C/C lô hàng đối với trường hợp C/C nhận được sau khi hàng đến...

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/vasep-quy-dinh-ca-ngu-nua-met-gay-nhieu-he-luy-cho-ngu-dan-va-doanh-nghiep/20240728044359302