Vật liệu xây dựng: Thực tế có thể khác kỳ vọng
Thị trường vật liệu xây dựng sau thời gian dài trầm lắng được kỳ vọng sẽ có bức tranh sáng hơn trong năm 2023.
Nhu cầu tiêu thụ thấp
Thực hiện khảo sát tại không ít cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận giá vật liệu xây dựng tương đối ổn định sau gần 2 năm tăng mạnh. Trong đó, giá xi măng dao động trong khoảng 70.000 - 87.000 đồng/bao, cát xây dựng từ 190.000 - 400.000 đồng/m3 (tùy loại), đá xây dựng khoảng 290.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, giá thép rục rịch tăng trong vài tuần gần đây. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, các thương hiệu thép lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Nhật, Pomina... đồng loạt tăng giá lần thứ 2 liên tiếp đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây, tăng phổ biến từ 300.000 - 600.000 đồng/tấn.
Mặc dù vậy, so với mức đỉnh trong năm 2022 (hơn 19 triệu đồng/tấn), giá thép hiện vẫn thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/tấn. Do đó, nhiều doanh nghiệp thép vẫn đang xoay xở với lượng hàng tồn kho giá cao, thậm chí là sản xuất cầm chừng.
Trước đó, cuối năm 2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, khó khăn ngành thép có thể kéo dài đến quý II/2023. Trong năm 2022, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,3 triệu tấn, giảm 12% và bán hàng thép các loại đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2021.
SSI Research cho rằng, nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn kém khả quan, dù Hiệp hội Thép thế giới dự báo, nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 có thể phục hồi 1%, đạt 1,8 tỷ tấn, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022.
Nhu cầu thép của thị trường Trung Quốc dự kiến không thay đổi, hoặc chỉ phục hồi 1 - 2% trong năm 2023, nhất là khi nước này mở cửa trở lại sẽ dẫn đến nguồn cung tăng.
Tại các thị trường xuất khẩu thép khác của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, tình hình chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thép dự kiến sẽ giảm.
Với ngành xi măng, thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng mất cân đối cung - cầu. Thực tế, xi măng đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc. Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu xi măng, clinker gần 46 triệu tấn, khối lượng xuất khẩu năm 2022 giảm mạnh, chủ yếu do sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản dân dụng Trung Quốc. Tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong năm qua của Việt Nam là 30,65 triệu tấn, giảm 33%.
Ở thị trường nội địa, mức tiêu thụ xi măng năm 2023 được dự báo sẽ tương đương năm 2022, do thị trường bất động sản nhiều khả năng vẫn yếu.
Các doanh nghiệp xi măng kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, sau khi Trung Quốc mở cửa.
Nhưng vấn đề lo ngại nhất của ngành này là thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ đầu năm 2023 nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP. Khi thuế, chi phí tăng lên, giá xuất khẩu đắt đỏ hơn sẽ khiến các thị trường đắn đo khi nhập khẩu xi măng từ Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, với tình hình hiện nay, khả năng tiêu thụ của các loại vật liệu xây dựng thấp do thị trường bất động sản “nằm im”, chưa có dự án xây dựng công nghiệp... Tuy nhiên, giá vật liệu có thể vẫn tăng bởi các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như dầu gần đây rục rịch tăng, đặc biệt là than.
“Do đó, trong năm 2023, thị trường vật liệu xây dựng không có quá nhiều biến động, có tăng cũng sẽ không tăng mạnh”, ông Nga nói.
Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động giá vật liệu, đặc biệt là một số loại vật liệu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động giá nguyên liệu trên thế giới như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác như cát, đá, đất đắp.
Đầu tư công cũng khó kéo
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022, tạo sức ép lên tốc độ giải ngân đầu tư công năm nay phải nhanh và quyết liệt hơn so với năm ngoái.
Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn dự kiến khởi công trong năm 2023 sẽ giúp hoạt động xây dựng sôi động hơn. Điều này được kỳ vọng trở thành liều thuốc trợ lực cho ngành vật liệu xây dựng sáng cửa hơn trong bối cảnh thị trường dự kiến vẫn còn không ít khó khăn.
Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng, nhất là đá, cát, sỏi.
Tuy nhiên, ông Tống Văn Nga cho rằng, đầu tư công chủ yếu mang lại tác động tích cực đến một số ngành vật liệu như đá, cát, sỏi.
Theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3, trong khi công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm. Có nghĩa là, nguồn cát chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Một dự án quan trọng của đầu tư công chưa thực hiện được lúc này là xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà vấn đề mấu chốt là thiếu đất san nền và cát đắp cho các dự án.
“Nếu chưa thực hiện được đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long thì khó có thể thúc đẩy tiếp các dự án đầu tư công khác, khiến xi măng, sắt, thép không gia tăng tiêu thụ được”, ông Nga nhấn mạnh.
Thực tế, khu vực này có nền đất yếu, thường xuyên ngập lụt, thi công mất nhiều thời gian theo dõi sụt lún. Thế nên, phải phát triển giao thông, đảm bảo cơ sở hạ tầng cơ bản mới có thể tiếp tục phát triển các dự án xây dựng khác.
Về vấn đề đắp nền để thực hiện các dự án giao thông đang thiếu nguồn cát, vật liệu san lấp, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác, đồng thời rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn vật liệu cát.
Ngày 30/1/2022, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình triển khai các công trình, dự án trên địa bàn. Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát triển giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc; khẩn trương hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo khoa học, đúng quy định, sát thực tế, hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2023 để đồng loạt khởi công những dự án còn lại.
Đối với mảng đá xây dựng, theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 vào khoảng 21,5 triệu m3. Trong đó, dự án Sân bay Long Thành, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 dự kiến sử dụng lần lượt 2,04 triệu m3, 738.000 m3 và 5,2 triệu m3 đá xây dựng.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, nguồn cung đá đang bị hạn chế. Các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá khu vực gần dự án vì các mỏ ở xa phải tính thêm chi phí vận chuyển vào giá thành.
Trong khi đó, giá bồi thường tại các khu vực khai thác đá thời gian qua đều tăng như TP.HCM, Hà Nội, Bình Phước… Việc cấp phép cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và cấp phép khai thác mỏ đá mới. Nguyên nhân đến từ sự phản đối của người dân địa phương, do việc khai thác đá để lại nhiều hệ lụy đến môi trường.