Vật tư nông nghiệp tăng giá, khó khăn dồn lên vai HTX

Không chỉ rơi vào cảnh nông sản khó tiêu thụ, giá bán giảm trong mùa dịch Covid-19 mà hiện nay, các HTX đang đứng trước lựa chọn có nên tiếp tục tái đầu tư cho sản xuất nữa hay không vì các mặt hàng vật tư nông nghiệp đều đồng loạt tăng giá khiến các HTX khó xoay xở.

Tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, trong đó 16.012 HTX nông nghiệp nên việc các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… tăng giá đã tác động trực tiếp đến hầu hết các HTX trên cả nước.

Vật tư tăng giá, nông sản rớt giá

Giá phân bón tăng khiến các thành viên HTX Nông nghiệp Khánh Lộc (tỉnh Trà Vinh) đang phân vân không biết có nên tiếp tục tái sản xuất vụ rau màu hay không.

Ông Hồ Đức Kiều, Giám đốc HTX Khánh Lộc, cho biết trước đây mỗi vụ rau màu chỉ tính riêng phân bón chi phí hết khoảng 16-18 triệu đồng/ha. Thế nhưng hiện nay, giá phân bón tăng thêm 4-5 triệu đồng/ha. Trong khi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nông sản không có đầu ra, giá rớt thê thảm.

“Hiện dưa leo và cà chua giá chỉ còn 1.500-2.500đồng/kg khiến thành viên bị lỗ nặng. Trước đây giá phân ở mức 350.000 đồng/bao thì dù giá nông sản xuống thấp, thành viên cũng còn lấy công làm lãi, nhưng tính theo tình hình hiện nay thì chỉ có lỗ”, ông Kiều chia sẻ.

Còn tại HTX chăn nuôi Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang thực hiện nuôi lợn, gà hàng hóa cung cấp cho doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Hiến, Giám đốc HTX Lộc Hà, cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng 30.000-50.000 đồng/bao 25kg khiến chi phí sản xuất phải đội lên 20-30%. Đó là chưa kể HTX phải chi phí cho các loại vật tư đi kèm như vaccine phòng ngừa bệnh, hóa chất vệ sinh, tiêu độc khử trùng, thuê nhân công phòng chống dịch, test Covid-19… Trong khi đó, giá lợn hơi trên thị trường đang trên đà giảm làm các thành viên thêm lo lắng.

Giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất của người dân, HTX.

Giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí sản xuất của người dân, HTX.

Theo Bộ NN&PTNT, giá phân bón hiện nay tăng ở mức cao so với 1/2021. Cụ thể với giá các loại phân bón sản xuất trong nước như: Phân đạm Cà Mau từ mức 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg (tăng 72%); phân DAP Đình Vũ từ mức 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%); Phân NPK Bình Điền, loại NPK 16-16-8+13S từ mức 8.860 đồng/kg tăng lên 10.760 đồng/kg (tăng 24,3%).

Còn đối với phân bón nhập khẩu, phân SA bột của Trung Quốc từ mức 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg (tăng 60,6%); phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%).

Trong khi đó, con giống, thức ăn chăn nuôi do khó khăn trong vận chuyển, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên có nguy cơ tiếp tục bị đẩy giá lên cao.

Giá vật tư nông nghiệp tăng thì nông dân, thành viên HTX chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhất là đối với hộ dân, HTX sản xuất trên diện tích nhỏ, chưa liên kết được theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo các chuyên gia, đối với ngành chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí sản xuất. Chi phí thức ăn cho nuôi lợn chiếm 30 - 40% tổng chi phí sản xuất. Còn trong trồng trọt, giá phân bón chiếm khoảng từ 10 - 20% chi phí sản xuất, giá thuốc BVTV chiếm khoảng 5 - 10% chi phí sản xuất tùy tình hình dịch bệnh gây hại.

Chi phí vật tư chiếm một phần không nhỏ trong quá trình sản xuất của HTX, nên khi giá vật tư tăng cao đồng nghĩa làm cho HTX rơi vào cảnh thiếu vốn, khó khăn trong tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Trong khi giá nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch nhưng khó bán, hoặc bán giá thấp do dịch Covid-19 bùng phát, làm thị trường nông sản khó lưu thông.

HTX không thể tự xoay xở

HTX Nông nghiệp Điện Quang (Quảng Nam) đang trồng rau màu, bắp theo mô hình cánh đồng lớn. Với diện tích sản xuất khoảng 400 ha, bình quân, HTX cần khoảng 600kg phân bón/ha. Theo tính toán của HTX, chỉ cần giá phân bón tăng 30.000 - 40.000 đồng/bao (loại 50kg), HTX phải chi thêm hơn 100 triệu đồng/ha.

Phân bón tăng giá trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra khiến đầu ra cho nông sản khó khăn. Đi cùng với đó là biến đổi khí hậu nên sản lượng, rau, bắp sụt giảm. “Nguồn thu từ bắp, rau màu tính ra cũng không đủ trả tiền phân, thuốc và tiền điện bơm nước”, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Điện Quang cho biết.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp tăng là do dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tăng. Logistics, vật tư đầu vào, nhiên liệu tăng cao nên kéo theo giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng vọt.

Ngoài ra, trong thời điểm này do chi phí tăng, các nhà nhập khẩu vật tư nông nghiệp hạn chế nhập hàng nên xảy ra tình trạng cung không đủ cầu. Việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành khiến vấn đề vận chuyển vật tư nông nghiệp tới các địa phương gặp khó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng giá các mặt hàng này.

Cần có các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi... nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX.

Cần có các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thức ăn chăn nuôi... nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX.

Có thể thấy, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành liên tiếp tăng. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nhu cầu về các sản phẩm nông sản cả tươi sống, đông lạnh và chế biến đều tăng mạnh, nhất là phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp để sớm bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất.

Một trong những phương án được các chuyên gia đưa ra là tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân, HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để sử dụng phân bón hiệu quả nhất, từ đó tiết giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, các HTX, tổ hợp tác cần tính toán diện tích tái sản xuất phù hợp để tránh khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá các loại vật tư nông nghiệp hiện nay phần lớn là do thị trường quyết định, nên việc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… tăng giá hay chuyện nông sản mất giá thì người dân, HTX không thể can thiệp. Chính vì vậy, trong tình hình giá cả, phân bón biến động, thời tiết khó lường, dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nếu không có các biện pháp cụ thể từ Nhà nước, thì người dân, HTX sẽ không thể tự xoay xở được. Điều này dễ dẫn tới tình trạng bỏ chuồng, bỏ ruộng hoặc sản xuất cầm chừng.

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc tăng cường quản lý chất lượng phân bón, xử lý triệt để tình trạng bán phân giả, phân kém chất lượng cũng là vấn đề cấp bách. Nhà nước cần có chính sách, giải pháp tiêu thụ nông sản ngay trong mùa dịch để HTX thu hồi vốn đầu tư. Đi cùng với đó, cần tính toán làm sao tạo điều kiện cho các xe vận chuyển phân bón, thức ăn chăn nuôi… lưu thông để bảo đảm hoạt động sản xuất không bị đứt gãy cũng như giảm phần nào giá thành vật tư nông nghiệp.

Để có giá phân bón, thức ăn chăn nuôi thấp nhất đến tay nông dân, ông Đào Thế Anh cho rằng, phải cắt giảm tối đa các khâu trung gian trong phân phối phân bón. Các doanh nghiệp cung cấp vật tư cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp từ nhà máy đến đại lý cấp 1, HTX , tổ hợp tác, giảm các bước trung gian như đại lý cấp 2, 3,… thông qua mô hình chuỗi giá trị.

“Nếu vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng thì người dân, HTX sẽ rơi vào tình thế bị động, gây tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến sản xuất, lợi nhuận của HTX. Từ đó, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất chung của ngành nông nghiệp”, PGS. TS Đào Thế Anh nói.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/vat-tu-nong-nghiep-tang-gia-kho-khan-don-len-vai-htx-1080701.html