Vất vả người lao động ở trọ giữa nắng nóng gay gắt

Sự bí bức của căn phòng trọ ngót nghét 10m2, mái lợp fibro xi măng giữa cái nắng nóng như đổ lửa ở Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân ở trọ...

Xóm trọ cũ kĩ, mốc xanh, chật hẹp thuộc thôn Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, TP Hà Nội) là nơi sinh hoạt của nhiều lao động tự do trong thời tiết nắng nóng

Xóm trọ cũ kĩ, mốc xanh, chật hẹp thuộc thôn Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, TP Hà Nội) là nơi sinh hoạt của nhiều lao động tự do trong thời tiết nắng nóng

Trời nắng cũng như mưa, hết ngày làm việc, những căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức tại xóm trọ nhỏ thuộc thôn Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, Hà Nội) lại là nơi nghỉ ngơi của rất nhiều công nhân, lao động xa quê.

Dãy nhà trọ nằm sâu bên trong con ngõ nhỏ, ở giữa có một hành lang rộng khoảng 2m là nơi phơi quần áo, để xe và đi lại. Bờ tường trát vôi vữa đã có nhiều đám mốc bám sát chân tường và mảng vỡ loang lổ.

Những phòng trọ ở đây do tiết kiệm diện tích nên chủ nhà chỉ xây mỗi căn vẻn vẹn 10m2. Cộng với để hạn chế chi phí đầu tư, ngoài bức tường thô ráp, mái của căn phòng cũng chỉ được lợp bởi fibro xi măng. Ngày mưa thì còn đỡ, nhỡ nước có tràn vào khe hở rớt xuống sàn cũng dễ giải quyết, chứ ngày hè thì nắng nóng được cộng hưởng bởi hơi từ vật liệu lợp mái, cái nắng nóng, ngột ngạt tăng gấp đôi.

Anh Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, xóm trọ nhỏ này có khoảng chục phòng trọ, gồm lao động tự do tại các tỉnh lân cận Hà Nội. Bởi đa phần là những người lao động tự do, thu nhập không cao, đã vậy còn phải tiết kiệm để gửi về gia đình ở quê nên mặc dù khó chịu, nóng bức nhưng với họ, cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

Anh Dũng cũng cho biết tiền phòng một tháng gồm cả điện, nước dao động khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng. Tại các khu nhà trọ cho lao động thu nhập thấp, ngoài việc chỗ không đảm bảo chất lượng, các trang thiết bị chống nóng cũng chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu. Hầu hết, mỗi phòng trọ cũng chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ vải cá nhân và chỗ để xe cho công nhân.

Do không gian nhỏ hẹp nên mọi sinh hoạt từ bếp núc, tắm rửa đến nghỉ ngơi cho các thành viên đều gói gọn trong khoảng không gian khiêm tốn ấy. Bởi điều kiện quá khắc nghiệt, nhiều gia đình cũng không dám đưa con nhỏ lên. Nhiều lao động tự do cũng phải chung nhau thuê 1 phòng cho tiết kiệm chi phí.

Lau mồ hôi đang chảy trên má, chiếc áo vẫn loang lổ vệt mồ hôi, anh Dũng nói: “Nóng lắm nhưng vẫn phải cố chịu. Trưa cũng vẫn phải về còn nằm nghỉ một lúc chiều lại đi làm”. Dũng chạy xe ôm với mức thu nhập hàng tháng chưa đến 7 triệu đồng/ tháng. Ở độ tuổi này, anh Dũng khó tìm được công việc ổn định, cũng khó có thể tìm được một chỗ ở tốt hơn vì thu nhập chính dựa vào tiền chở khách hàng ngày của anh.

Mọi sinh hoạt của chỉ gói gọn trong căn phòng hơn chục m2, chật chội, nóng bức.

Mọi sinh hoạt của chỉ gói gọn trong căn phòng hơn chục m2, chật chội, nóng bức.

Chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi), vợ anh Dũng sau một hồi dè dặt cũng cho biết, vợ chồng chị có 2 con, con lớn của anh chị cũng đang đi làm công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, con gái út thì đang học sư phạm và ở trọ gần trường. Hai vợ chồng chị ở quê cũng chỉ làm nông nên chọn cách lên đây làm để gần con. Chị Hương và anh Dũng sống tại khu trọ này cũng đã được gần 2 năm. Chị Hương sức khỏe yếu, hàng ngày bán cơm nắm và ngô luộc gần bến xe Mỹ Đình, cũng là nơi anh Dũng - chồng chị - chạy xe ôm.

“Nhiều khi không muốn về nhà vì quá nóng, nhưng thời tiết này ngồi ngoài bến xe bán hàng còn khổ hơn rất nhiều. Cũng nhớ căn nhà nhỏ ở quê nhưng hai vợ chồng vẫn phải cố gắng bám trụ ở đây để gần con cái” - chị Hương nghẹn ngào.

Chị Hương cho biết, ban ngày, buổi trưa mỗi khi về để trông chờ vào giấc nghỉ lấy sức, nhiều khi cảm thấy sợ. Chị bảo, cứ mỗi khi về, phải mở cửa đứng ngoài một lúc lâu mới có thể bước. Hơi nóng phả xuống từ mái tôn, rồi hấp lên từ sàn nhà khiến căn phòng vô cùng bí bức. Nhiều hôm mệt vào phòng mà cảm giác như không còn không khí để thở vì quá ngột ngạt.

Nóng vậy, hai vợ chồng chị trông chờ vào chiếc quạt điện, mặc dù không giải quyết được nhiều nhưng cũng có cảm giác có gió. Vậy là còn đỡ, chị than thở, dù sao cũng có điện. Bởi lẽ, chiếc “điều hòa” tự chế là một chậu đá để trước quạt sẽ khiến cái nóng dịu bớt đi. Chứ với những hôm mất điện thì căn phòng quả thực không thể ở.

Chị Hương cũng cho biết, mục đích chính là tìm kế sinh nhai, nên những người sống trong khu trọ này chấp nhận sống cuộc sống tạm bợ. Với đồng lương ít ỏi, không ổn định, cuộc sống đắt đỏ tại thành phố lại làm cuộc sống ấy thêm khó khăn.

“Tiền thuê trọ, tiền điện nước mặc dù không thực sự cao, nhưng cũng là một khoản kha khá đối với tổng thu nhập của chúng tôi” - chị Hương cho biết. Chính vì vậy, trong các bữa cơm của anh chị cũng chỉ là những món đơn giản, tiết kiệm. “Nhiều khi cũng muốn đổi bữa để chồng ăn thêm ngon miệng, để bồi bổ sức khỏe, có thể đủ sức để đi làm… nhưng cũng không thể quá thường xuyên” - chị Hương thở dài.

Thiếu điều hòa, thiếu tủ lạnh là những đồ dùng thiết yếu nhất phục vụ cho cuộc sống. Chính vì vậy, những người lao động ở đây cũng chỉ căn ke nấu bữa nào ăn hết bữa ấy. “Không dám dùng thêm điều hòa, tủ lạnh đâu vì tốn điện lắm, mà chúng tôi cũng đi làm cả ngày, tối chỉ về tắm giặt, nghỉ ngơi thôi” - anh Tuấn (25 tuổi, thợ xây, quê ở Bắc Giang) ngại ngần nói

Phòng anh Tuấn có tất cả 3 người, cũng đều là anh em cùng quê lên Hà Nội kiếm sống. Anh Tuấn đã có vợ và một con nhỏ ở quê, nhưng chấp nhận xa gia đình để kiếm sống nuôi vợ con.

Người lao động ở xóm trọ nghèo này đều có cuộc sống khốn khó ở quê. Công việc làm nông vất vả khiến ai cũng có suy nghĩ muốn tìm cơ hội mới trên thành phố. Nhưng cuộc sống thiếu thốn nơi đất khách quê người, có những lúc khiến mọi người chạnh lòng, bởi về quê cũng không được, ở lại thành phố còn khó khăn hơn nữa.

Hơn nữa, nơi đây cũng chỉ là nơi ở tạm thời nên họ lại chấp nhận một cuộc sống tạm bợ để có thêm tiền gửi về quê cho gia đình. Thợ xây, xe ôm, nhặt ve chai, tất cả đều là công việc mưu sinh hàng ngày của người lao động tại xóm trọ nghèo. Vòng xoáy cơm áo gạo tiền vẫn cứ cuốn lấy những người lao động đang gồng mình bám trụ.

.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vat-va-nguoi-lao-dong-o-tro-giua-nang-nong-gay-gat-343234.html