Vất vả săn 'lộc rừng', mỗi năm có hơn trăm triệu
Từ nhiều năm nay, đi rừng 'săn' chuối hột đã trở thành nghề của anh Kiều Viết Cường (thôn 6, xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh). Nếu may mắn, có ngày anh có thể kiếm được tiền triệu nhờ quả chuối hột rừng.
Đất rừng Hương Khê xưa nay vốn nổi danh với những sản vật phong phú. Một trong những thứ “lộc rừng” đó là những quả chuối hột lẩn khuất trong những khe suối.
Trước đây, chuối hột rừng (có nơi gọi là chuối ri) được người dân địa phương sử dụng để ngâm cùng với rượu hoặc chế biến thức ăn. Ngày nay, khi giao thông thuận tiện, chuối rừng được mang về thành phố. Nhờ đó, người nông dân bản địa có thêm nghề thu hoạch và chế biến chuối rừng với thu nhập ổn định.
Anh Kiều Viết Cường có lẽ là một trong những thợ "săn" chuối rừng khấm khá nhất huyện Hương Khê, tính trung bình, mỗi tháng anh kiếm hơn 10 triệu đồng từ mặt hàng này. Tính ra, mỗi năm thu ngót nghét 120 triệu đồng. Từ chỗ là “nghề tay trái”, nay gần như trở thành nghề chính của anh.
Anh Cường nhớ lại, khoảng năm 2012, khi mới lập gia đình, anh cùng vợ thường xuyên vào đồi khai phá đất hoang, chăn trâu, nuôi lợn, trồng keo. Một lần tình cờ phát hiện vạt chuối rừng khá lớn, quả căng, ánh tím rất đẹp mắt nên anh đem về dùng ngâm rượu để dùng trong gia đình.
Về sau, thấy không ít người có nhu cầu nên anh đem về bán thử. Lợi thế nhà nằm sát với Quốc lộ 15A nên sạp chuối của anh nhanh chóng thu hút người đi đường. Nhiều khách hàng sử dụng thấy chất lượng liền quay lại và để lại số điện thoại, địa chỉ để hàng mua lâu dài.
Thấy thuận lợi, anh Cường tìm hiểu thêm qua sách báo, truyền hình thì được biết chuối rừng lành tính, có lợi cho sức khỏe và thậm chí còn có tác dụng điều trị một số bệnh về thận. Dù không khẳng định chuối rừng là dược liệu, song, theo anh Cường, chuối rừng có lợi cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách.
Tiếp tục câu chuyện, Anh Cường chia sẻ: “Để tìm được chuối rừng với số lượng lớn, tôi phải lặn lội đến nhiều vùng rừng xa ở Phú Lâm (xã Phú Gia) hay Rào Vàng (xã Hương Lâm)... Ngoài đi xe máy hàng chục cây số, tôi còn phải trèo đèo, lội suối 2, 3 tiếng đồng hồ mới tìm thấy chuối rừng. Mỗi chuyến đi như vậy tôi gánh khoảng 15 buồng, tương đương với 60 – 70 kg. Cứ 2 đến 3 ngày, tôi lại đi rừng một chuyến, hoặc có khi đắt khách, ngày nào tôi cũng đi”.
Không chỉ bán chuối tươi, để đa dạng sản phẩm, chị Nguyễn Thị Hà – vợ anh Cường còn cắt miếng hoặc ủ chín, lột sạch vỏ, phơi hoặc sấy khô rồi bán với giá cao hơn. Chị còn tận dụng điện thoại thông minh để rao bán qua mạng xã hội, qua đó, nhiều khách hàng từ những thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… cũng thường xuyên đặt hàng.
Hiện tại, anh Cường bán chuối hột tươi với giá trung bình 20 nghìn đồng/kg, còn chuối khô từ 100 – 200 nghìn đồng/kg tùy loại.
“Trung bình, mỗi ngày tôi đưa ra thị trường khoảng 15 – 20 kg chuối tươi. Cá biệt, có những ngày đắt khách, vợ chồng tôi bán đến hơn 1 tạ chuối tươi, thu về gần 3 triệu đồng”, anh Cường nói thêm.
Dương Chiến