Vất vả trồng rừng trên đỉnh Tam Ban
Công việc vất vả, cực nhọc nhưng những người trồng rừng vẫn ngày đêm bám trụ để phủ xanh núi đồi.
Nếu như rừng sản xuất do người dân khai thác và trồng mới, việc trồng rừng tương đối thuận lợi vì ở vị trí thấp, có thể sử dụng máy móc hỗ trợ thì trồng rừng đặc dụng, phòng hộ là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ. Trồng rừng là nghề thời vụ, chỉ diễn ra vào mùa xuân khi có mưa phùn, giúp cây rừng nhanh bén rễ trên đất đồi nhiều sỏi đá. Còn người trồng phải là người bản địa thì mới thông thuộc đường đi, lối lại và có kỹ năng đi rừng. Năm nay, Hải Dương thực hiện trồng rừng phòng hộ trên đỉnh núi Tam Ban ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) nên khó khăn càng gấp bội.
Đỉnh Tam Ban cao gần 600 m nhưng đường lên dốc, ngoằn ngoèo, để lên tới đỉnh phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Nhưng đó là với người có sức khỏe tốt, không mang vác vật nặng, còn với người trồng rừng vừa đi, vừa gánh cây giống thì mất thời gian và công sức hơn nhiều. Gần 1 tháng nay, anh Lục Văn Huynh ở thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám đảm nhận công việc gánh cây giống lên đỉnh Tam Ban. Vì đường xa, nhiều đoạn dốc nên mỗi ngày anh chỉ gánh một chuyến tương đương 200 cây, hôm nào thời tiết ủng hộ thì mới cố được gánh thứ hai. Trồng rừng chỉ thuận lợi khi trời có mưa mà mưa thì đường trơn trượt, người gánh càng vất vả. "Đem một cây giống lên điểm trồng, chúng tôi được trả 1.000 đồng. Dù được trả công không cao song công việc này lại kén người làm. Vì thế, ngoài kiếm thêm thu nhập, chúng tôi coi việc này là trách nhiệm với núi rừng nên vui vẻ làm mà không tính toán", anh Huynh nói.
Do đường xa, đi lại vất vả, gần 1 tháng nay, gần chục người đã ở lại đỉnh Tam Ban ăn ngủ với rừng để trồng rừng. Để không ảnh hưởng tới tiến độ cũng như tranh thủ tiết trời mùa xuân, họ mang theo vật dụng sinh hoạt cần thiết, dựng lán tạm ở lại rừng. Bà Hoàng Thị Gái ở cùng thôn Thanh Mai cho hay ăn ngủ tại rừng thiếu thốn, bất tiện nhưng nếu sáng đi tối về sẽ mất thời gian, lại không bảo đảm sức khỏe để trồng rừng lâu dài. Vì thế mọi người lựa chọn ở lại rừng, vài ngày mới xuống núi một lần. Việc ăn uống, ngủ nghỉ trong rừng phải cẩn trọng, nhất là việc đốt lửa nấu nướng. Dù khó khăn song ai nấy đều động viên nhau khắc phục để sớm trồng xong hơn 1 vạn cây thông trên đỉnh Tam Ban.
Có kinh nghiệm trồng rừng nhiều năm, đây là lần đầu tiên ông Lục Văn Minh ở thôn Thanh Mai nhận trồng ở khu vực cao, vất vả như lần này bởi chưa cần làm việc mà chỉ di chuyển tới nơi đã thấm mệt. Hơn nữa, việc dọn dẹp, phát quang cây bụi và cuốc hố cũng mất nhiều công sức hơn do khu vực đỉnh núi chủ yếu là đá, sỏi. "Công việc nặng nhọc nhưng chúng tôi vẫn phải chạy đua với thời gian. Nếu không nhanh, không gấp, trời chuyển sang hè thì lại thành công cốc, cây rừng khó sống", ông Minh cho biết.
Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn người trồng rừng làm đúng theo quy trình, nâng cao tỷ lệ sống là nhân viên của Ban Quản lý rừng. Đều đặn 3 lần/tuần, nhân viên của ban tới điểm trồng kiểm tra tiến độ, chất lượng rừng trồng. Theo anh Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật (Ban Quản lý rừng tỉnh), ngoài trồng rừng thì đơn vị trồng và quản lý phải theo sát, chăm sóc cây rừng trong 3 năm đầu. Với khu vực núi cao, không có cây che chắn như đỉnh Tam Ban, nếu không chú trọng chăm sóc thì tỷ lệ cây chết rất cao. Nhưng không vì thế mà các đơn vị ngại khó, ngại khổ bởi việc phủ xanh các vị trí rừng trọng điểm rất quan trọng. Thời gian tới, ban tiếp tục tham mưu kế hoạch trồng rừng ở khu vực rừng phòng hộ còn nghèo nàn, ở những nơi khó khăn để cây xanh bám chặt đất rừng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/vat-va-trong-rung-tren-dinh-tam-ban-200006