Vay 2,53 tỷ USD vốn ODA cho 16 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ trương nêu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiều 8/7.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao (giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự án thành phần,...).

Các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca 4 kíp. Các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc).

Đối với các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị, các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023).

Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.

Cho ý kiến về một số dự án cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.

Với dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023.

UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành căn cứ các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thủ tục giao mỏ nguyên vật liệu cho các nhà thầu khai thác, không để phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long sớm xác định nguồn cấp cho khối lượng cát còn lại của các dự án, trong đó ưu tiên cấp đủ nhu cầu năm 2023; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục để nhà thầu dự án Cần Thơ - Cà Mau có thể khai thác các mỏ trong tháng 7/2023.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ khảo sát và làm việc với UBND Tp.Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự án ODA (Ảnh: Nhật Bắc).

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ khảo sát và làm việc với UBND Tp.Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự án ODA (Ảnh: Nhật Bắc).

Với các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, đảm bảo bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

UBND Tp.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang sớm làm việc với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể các mỏ cấp cho dự án và hoàn thành thủ tục khai thác.

Với các dự án ODA, Thủ tướng nêu rõ còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Thủ tướng đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ; đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải cho biết đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe). 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Đến năm 2026, miền Tây sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại khu vực này đang gặp một số khó khăn như: giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tại khu vực còn nhiều hạn chế, trong đó có vốn ODA, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Từ đó làm giảm hiệu quả của đầu tư công và vốn ODA.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vay-2-53-ty-usd-von-oda-cho-16-du-an-vung-dong-bang-song-cuu-long-a616325.html