Vay ngân hàng 10 chỉ nhận được 1: Hé lộ những 'lỗ hổng', (bài 2) Dấu hiệu vi phạm
Vay Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) - Chi nhánh Thái Nguyên nhưng thực nhận không đủ số tiền ghi trong hợp đồng, nhiều người dân đã gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, tố cáo tới cơ quan Công an, đơn vị tư vấn pháp luật. Đại diện một số cơ quan, đơn vị, luật sư đã có phản hồi, đồng thời cho rằng vụ việc này có dấu hiệu vi phạm.
Người bị tố cáo nói gì?
Trong bài viết trước, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng vụ việc có dấu hiệu hình sự, ông Nguyễn Văn Chung và đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà. Các ông, bà: Nguyễn Thị Cần, Tạ Thị Thu, Trần Ngọc Chi và nhiều cá nhân khác khẳng định, vụ việc có dấu hiệu hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi số người cùng là nạn nhân của ông Nguyễn Văn Trình nhiều và với số tiền lớn.
Nhằm có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên Báo Thái Nguyên đã tìm về nhà ông Nguyễn Văn Chung (ở phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) và được biết hiện ông Chung không ở nơi cư trú. Những số điện thoại trước đây được cho là của ông Chung hiện cũng không liên lạc được.
Đối với ông Nguyễn Văn Trình, chúng tôi liên lạc theo số điện thoại được cho là của ông Trình. Đầu dây bên kia, người nghe điện thoại nhận mình là Nguyễn Văn Trình, nói: “Người dân đi ký là phải biết đọc, đi vay phải biết mình vay như thế nào, lợi ích gì… còn kiện ngân hàng thì kiện thế nào được, họ (người dân - PV) là người đi ký…”. “Nhà bà Thu năm 2020, tôi đã trả cho 800 triệu đồng. Tôi bảo xin lãi ngân hàng đi tôi trả bớt cho nhưng không nghe xong rồi tôi sập hẳn… Bà Cần thì lúc bà không trả được lãi tôi trả lãi nhưng sau tôi sập hết”.
Chúng tôi đề nghị gặp ông Trình để trao đổi cụ thể, hoặc tổ chức một buổi đối chất giữa ông Trình và những người tố cáo, ông Trình nói "sẵn sàng". Nhưng sau đó chúng tôi gọi điện lại thì ông Trình… không nghe máy (!?).
Luật sư Nguyễn Minh Cảnh: Ngân hàng có những vi phạm cơ bản
Cùng với cơ quan chức năng, người dân đã gửi đơn tố giác đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách tỉnh Thái Nguyên. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, luật sư Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách tỉnh Thái Nguyên, nêu quan điểm: “Ngân hàng đã có những vi phạm rất cơ bản và nghiêm trọng trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp, xây dựng phương án sử dụng tín dụng của khách hàng; xây dựng phương án giải ngân cho khách hàng. Hồ sơ tín dụng đều do ngân hàng xử lý từ đầu đến cuối, trong đó có rất nhiều hợp đồng khống để hợp thức cho việc giải ngân. Vì là hợp đồng khống nên bản thân nó đã vô hiệu ngay sau khi ký.”
“Khi ngân hàng khởi kiện, tòa án chỉ dựa vào hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản để đánh giá vụ việc và phán quyết là bên được cấp tín dụng vi phạm hợp đồng. Từ đó dẫn đến việc ngân hàng dựa vào bản án để thi hành án và xử lý tài sản. Tòa án không xem xét đến các sai lầm và vi phạm của ngân hàng, vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ký hợp đồng tín dụng và thế chấp tài sản. Như vậy là xem xét vụ việc chưa toàn diện và đầy đủ.” - Luật sư Cảnh nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: Nếu mọi việc đúng như người dân trình bày thì sự việc đã vượt quá giới hạn của một vụ việc dân sự, có dấu hiệu vi phạm hình sự, cụ thể là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015.
“Việc cán bộ ngân hàng có cấu kết với những người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc có hưởng lợi gì từ đây hay không thì tôi không có đủ tài liệu, chứng cứ để kết luận. Việc này cần được điều tra, làm rõ.” - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách tỉnh Thái Nguyên, nhận định.
Về việc người dân ký vào các giấy tờ ngân hàng đưa mà không đọc, các luật sư của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Bảo trợ tư pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hoàn toàn dễ hiểu và thông cảm bởi nhiều người dân vốn dĩ có hiểu biết hạn chế, chỉ cần làm sao để vay được tiền. Bên cạnh đó, văn bản của ngân hàng thiết kế chữ rất nhỏ, dài, lại khó hiểu, nhiều khi lại bị hối thúc để ký và giải ngân sớm, trong khi họ đang cần tiền, cũng tin tưởng ngân hàng nên vội vàng ký.
Tuy nhiên, các luật sư cảnh báo, trong tham gia giao dịch dân sự nói chung và giao dịch tín dụng nói riêng thì không nên như vậy. Người dân chỉ nên ký sau khi đọc kỹ, hiểu rõ và được giải thích nếu có chỗ nào chưa hiểu.
Cần điều tra, làm rõ
Liên quan đến vụ việc này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết cơ quan đã nhận được đơn của người dân và đã giao cho đơn vị chuyên môn xác minh. Theo ông Khoa, vụ việc phát sinh từ mối quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật, cụ thể ở đây là tòa án nhân dân các cấp. Phán quyết của tòa là căn cứ pháp lý để các bên giải quyết.
Với phản ánh của người dân về việc không đọc hợp đồng nhưng đã ký vào tất cả vị trí cán bộ ngân hàng chỉ ra, ông Bùi Văn Khoa cho rằng, hợp đồng tín dụng và các tài liệu văn bản liên quan là căn cứ pháp lý để xử lý vụ việc. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người dân cần đọc, nghiên cứu kỹ trước khi ký vào bất cứ giấy tờ gì, không chỉ là hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhận định: Điều cơ bản nhất khi đi vay tiền nói chung, vay ngân hàng nói riêng là phải biết mình vay bao nhiêu, lãi suất như thế nào và người cho vay, cụ thể ở đây là cán bộ ngân hàng sẽ phải nói rõ thông tin đó. Ở đây, nếu cán bộ ngân hàng vì lợi ích cá nhân nào đó, bưng bít thông tin, giục ký nhanh là vi phạm đạo đức và quy định pháp luật. Còn trong trường hợp này, có thể đặt ra một giả thiết, nếu người dân biết nhưng vẫn ký thì cần xem xét mối quan hệ lợi ích hoặc giao kết (nếu có) giữa người “môi giới”, nhận tiền với người dân.
Lãnh đạo một ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, nếu đúng như những gì người dân phản ánh thì có hiện tượng cán bộ ngân hàng vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong quá trình cho vay, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Việc này cơ quan Công an vào điều tra mới có thể kết luận được.
Cơ quan chức năng thụ lý giải quyết
Với đơn của người dân gửi tới các cơ quan chức năng, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thái Nguyên đã có phiếu chuyển đơn gửi tới Công an TP. Thái Nguyên. Phiếu chuyển đơn ghi rõ: Ngày 12/6/2024, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thái Nguyên nhận được đơn của 15 cá nhân tố giác một số cá nhân có hành vi liên kết, móc nối với cá nhân liên quan, cán bộ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thái Nguyên để lập khống giấy tờ vay vốn và chiếm đoạt tiền (lên đến hàng tỷ đồng).
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thái Nguyên nhận thấy nội dung đơn của 15 cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP. Thái Nguyên và đã chuyển đơn đến đơn vị này để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thái Nguyên theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thái Nguyên, Công an TP. Thái Nguyên đang thụ lý vụ việc và đã mời những người có đơn đến cơ quan Công an để xác minh nội dung tố cáo. Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật. Những người gửi đơn kiến nghị, tố cáo và dư luận đặc biệt quan tâm, hy vọng cơ quan chức năng, nhất là Công an TP. Thái Nguyên sớm điều tra rõ, đưa ra kết luận.
Chiều qua (18/7/2024), Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và bị đơn là bà Nguyễn Thị Nga, hộ khẩu thường trú tổ dân phố Dộc, phường Đông Cao, TP. Phổ Yên. Tòa bác đơn kháng cáo của bà Nga, tuyên bà Nga phải trả số tiền cả gốc và lãi trong hạn, lãi quá hạn đến thời điểm này cho SeABank.