Vay tiêu dùng - tránh để sập bẫy tín dụng đen và thu hồi nợ trái pháp luật

Trong bối cảnh vay tiêu dùng bỗng trở nên rất ''nóng'' thời gian gần đây, việc chia sẻ cách thức giúp người lao động tránh bị sập bẫy tín dụng đen, cũng như hạn chế các hoạt động thu hồi nợ phản cảm từ một vài công ty tài chính là hết sức thiết thực, kịp thời.

Ngày 20/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Người Lao động đã tổ chức buổi tọa đàm tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp…

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

Làm sao để thu hồi nợ đúng luật?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế, cũng là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen. Thực tế, trong xã hội đang có khoảng cách giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp và tín dụng tiêu dùng nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách này.

Tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng quốc gia, tỷ lệ khoảng 20%. Với vị trí quan trọng như thế, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng là động lực tăng trưởng quốc gia. Các tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng... là thành phần chính trong cho vay tiêu dùng; bên cạnh đó là hệ thống tiệm cầm đồ, tín dụng đen... Các tổ chức tín dụng chính thức hay không chính thức trở thành hệ thống cung cấp tín dụng cho toàn xã hội.

Tín dụng tiêu dùng phải phát triển, cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ. Vậy, làm sao thu hồi nợ đúng luật? Trước tiên, muốn thu hồi nợ đúng luật phải có quy định pháp luật đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có rất nhiều văn bản thông tư liên quan đến hoạt động, quy định của pháp luật và phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Đòi hỏi pháp luật là có nhưng quan trọng là con người thực hiện. Trong pháp luật của Nhà nước cũng có quy định rất rõ ràng về đạo đức người thu hồi nợ. Nợ khó đòi, tâm lý làm sao đòi được nợ, cần có nghiệp vụ bài bản và chuyên nghiệp. Kỹ năng thu hồi nợ rất quan trọng. Thực tế, NHNN đã có các thông tư 43, 39 quy định rất rõ ràng về vấn đề đốc thúc thu hồi nợ, ví dụ như: không được gọi trước 21 giờ, không gọi quá 5 lần trong 1 ngày…

Còn đòi nợ thế nào là vi phạm pháp luật, cao nhất là vi phạm pháp luật hình sự? Điều 170 của Bộ Luật Hình sự quy định cưỡng đoạt tài sản để chiếm lấy tiền trả nợ, là tội cưỡng đoạt tài sản. Trong văn bản của NHNN quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ. Đe đọa thế nào cũng là vấn đề được quan tâm.

Trong khi đó, vấn đề lãi suất hiện nay được quy định tại Điều 468 của Bộ Luật Hình sự là không quá 20%/năm, nhưng phương thức tính lãi suất mới quan trọng. Lãi suất 20% nhưng tính phí theo thực tế thì phải tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu.

‘‘Bên cho vay có nhiều phương thức thu hồi nợ, nhưng không được dùng nhiều phương thức trái luật. Việc công ty tài chính bán nợ cho 1 công ty khác thì phải bảo đảm đơn vị đòi nợ đó phải có người đòi nợ chuyên nghiệp, có năng lực, đạo đức… Tín dụng tiêu dùng ngày càng phát triển, ở công ty tài chính, ngân hàng thương mại, cầm đồ cũng là một loại tín dụng tiêu dùng… cần cố gắng tuyên truyền và khách hàng có thể tiếp cận được vốn đúng quy định, đúng luật…’’ - bà Hòa nói.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

Cách thức tránh bẫy tín dụng đen

Đối với người vay tín dụng tiêu dùng, bà Hòa khuyến nghị cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và phải có hợp đồng cụ thể; quy định bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.

Ngoài ra, người đi vay cần quan tâm lãi suất và phương thức tính lãi suất của tổ chức cho vay, các khoản phí cụ thể. Đặc biệt, còn phải xem phương thức đốc thúc, thu hồi và xử lý nợ. Hướng dẫn của NHNN nêu rõ, bên cho vay phải giải thích cho người vay những điều khoản hợp đồng, cung cấp hợp đồng cho người vay.

Theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa 20% nhưng nếu trong trường hợp bên cho vay tính lãi suất quá cao (60%-70%), bên đi vay có quyền yêu cầu được giải thích rõ ràng. Với việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là NHNN chi nhánh địa phương, cơ quan công an…

Tương tự, Luật sư Phạm Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho biết, có một thực tế là không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, tài chính công nghệ (fintech) được cấp phép, đâu là tín dụng đen. Trong khi hiện tại, chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép chính thức. Người dân có thể tìm hiểu thông tin này trên ‘‘website’’ của NHNN.

Người đi vay cũng cần phải biết, cho vay là một trong các nghiệp vụ chính thống của các tổ chức tín dụng được điều chỉnh bởi luật. Do đó các công ty tài chính khi cho vay phải có hợp đồng cho vay, công khai minh bạch về lãi suất và các phương thức thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm nếu có... Các công ty tài chính chính thức hoạt động rất bài bản, công khai theo pháp luật.

‘‘Còn các công ty núp bóng thì mập mờ về hợp đồng, lãi suất (lãi suất thấp nhưng thu phí cao dẫn đến lãi suất thực rất cao để các khách vay tín dụng tiêu dùng là đối tượng người trẻ, hộ gia đình nghèo sập bẫy). Do vậy, khi tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, điều đầu tiên là nên kiểm tra thông tin về các tổ chức tín dụng cho vay, gói vay có đúng luật không để nhận diện đâu là công ty tài chính chính thức, đâu là công ty tài chính trá hình…’’ - ông Đức khuyến nghị.

Luật sư Phạm Văn Đức chia sẻ thông tin nhận biết các công ty tài chính không chính thức. Ảnh Đỗ Doãn

Luật sư Phạm Văn Đức chia sẻ thông tin nhận biết các công ty tài chính không chính thức. Ảnh Đỗ Doãn

Cần biện pháp quản lý lãi suất hiệu quả

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh nhiều người mất việc, cần tiền phải đi vay để tiêu dùng, mua sắm. Vấn đề đặt ra lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định lãi suất trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế không ai bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn 20%.

Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ. Vì vậy, lãi suất tín dụng có thể lên tới 20% - 30%. Các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm %. Nhiều trường hợp vướng vào tín dụng đen không thoát ra được. Kinh tế suy giảm, ngân hàng không cho vay nên người dân, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vay từ tín dụng đen. Từ đây, việc thu hồi nợ cũng là vấn đề khiến nhiều người rất quan tâm.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vay-tieu-dung-tranh-de-sap-bay-tin-dung-den-va-thu-hoi-no-trai-phap-luat-126196.html