Vay vốn thực hiện mô hình nông nghiệp thoát nghèo

Được chính quyền, hội đoàn thể hỗ trợ tư vấn một số mô hình kinh tế phù hợp, thông qua nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện A Lưới đã phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước thoát nghèo bền vững.

 Phát triển mô hình trồng chuối già lùn tại huyện A Lưới

Phát triển mô hình trồng chuối già lùn tại huyện A Lưới

Anh Trần Văn Nghiệp (thôn Đút 1, xã Hồng Kim) cho biết, từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ, hội nông dân tư vấn, anh đã quyết chọn mô hình sản xuất trồng rừng, kết hợp nuôi bò cùng các loại gia cầm với quy mô trang trại nhỏ để phát triển sản xuất, ổn định sinh kế lâu dài.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, gia đình anh đã có 3ha rừng kinh tế, đàn bò 10 con và nhiều loại gia cầm khác, đời sống gia đình được cải thiện đáng kể.

Cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn, gia đình anh Hồ Viết Ái Duy (thôn Âr Kêu, xã Quảng Nhâm) được NHCSXH huyện A Lưới cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với số tiền đó cùng vốn tự có của gia đình, anh Duy đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn. Đến nay, mô hình của anh đã phát triển rất tốt, dự kiến thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực rất quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Từ những mô hình đầu tiên, nhờ có sự hỗ trợ vay vốn kịp thời, đến nay đã có nhiều trang trại, gia trại ở địa phương được xây dựng, mang lại việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến xóa nghèo bền vững.

Theo Hội Nông dân huyện A Lưới, thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, đã góp phần quan trọng trong việc phát triển diện tích chuối cũng như xây dựng thương hiệu chuối già lùn A Lưới và lợn hữu cơ trên địa bàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện A Lưới có gần 400ha chuối. Trong đó, diện tích chuối già lùn chiếm khoảng 120ha.

Hội Nông dân huyện A Lưới đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Điển hình, nhằm thúc đẩy các mô hình vườn kiểu mẫu nông thôn có hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ và xây dựng mô hình vườn mẫu tại xã Hương Phong.

Có 45 hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm từ thịt bò vàng A Lưới và chăn nuôi bò đã được cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu tập thể. Hội Nông dân huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ tham gia đăng ký, sử dụng nhãn hiệu tập thể đảm bảo xuyên suốt và có hiệu quả, kết nối các hộ chăn nuôi và hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ thịt bò theo chuỗi giá trị.

Theo Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, đến nay, đã có hơn 1.700 lao động có việc làm mới, tạo điều kiện để các hộ gia đình mở rộng phát triển sản xuất, ổn định kinh tế.

Hội Nông dân huyện thường xuyên hướng dẫn các cấp hội thực hiện tốt việc tham gia các đợt giao dịch với ngân hàng, cùng với ngân hàng tháo gỡ vướng mắc trong thu hồi vốn và lãi vay của hội viên nông dân.

Các cấp hội cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trực tiếp tại các tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn trong việc quản lý, cho vay. Tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH đến nay trên 200 tỷ đồng, với 5.465 hộ nông dân được vay. Việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cấp hội được triển khai thường xuyên nên không có trường hợp nợ quá hạn và lãi tồn qua kênh Ngân hàng CSXH huyện thấp.

Huyện A Lưới đề nghị NHCSXH tỉnh quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn tín dụng chính sách đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bài, ảnh: MỸ NHUNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/vay-von-thuc-hien-mo-hinh-nong-nghiep-thoat-ngheo-143652.html