Vay vốn xây nhà ở xã hội lãi suất 14%/năm, doanh nghiệp kêu trời

Ngoài lãi vay cao, thủ tục triển khai các dự án nhà ở xã hội vướng mắc tứ bề, các ưu đãi chỉ nằm trong 'lý thuyết'… khiến doanh nghiệp ngán ngại đầu tư.

Cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội

Cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội

Vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm

Vốn cho bất động sản tiếp tục là câu chuyện rất nóng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản song vẫn khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay các dự án nhà ở xã hội. Mặc dù vậy, theo phản ánh của doanh nghiệp, đầu tư dự án nhà ở xã hội đang phải vay với mức lãi suất cao ngang ngửa với lãi vay đầu tư dự án nhà ở thương mại.

“Hiện nay, chúng tôi phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm. Với mức lãi vay này, làm sao có thể khiến giá nhà ở xã hội giảm xuống?”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành băn khoăn.

Theo ông Nghĩa, không có ngân hàng nào có quy trình cho vay riêng với dự án nhà ở xã hội. "Chúng tôi phải vay như lãi suất thương mại bình thường. NHNN quy định, hệ số rủi ro với khoản vay nhà ở xã hội chỉ 50% trong khi hệ số này áp dụng với dự án nhà ở thương mại lên tới 250%, chênh lệch lớn như vậy tại sao ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho chúng tôi?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Phát biểu tại Tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” tổ chức chiều nay, ngày 6/2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM khẳng định, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã và đang giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua.

Năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Qua đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.

Theo ông Lệnh, NHNN TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, trong đó có thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển như định hướng…

Dù vậy, đối với tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn, còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn.

Vì vậy, cùng với vốn tín dụng ngân hàng, các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh vốn, vấn đề vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay chính là thủ tục. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM khẳng định, 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là thủ tục hành chính.

Tán thành ý kiến này, ông Lê Hữu Nghĩa cho hay, ngay cả phân khúc được Chính phủ khuyến khích hiện nay là nhà ở xã hội thì doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn vì thủ tục hành chính. Nếu không sớm tháo gỡ, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến năm 2030 là rất khó.

Cụ thể, theo ông Nghĩa, thời gian qua, các chính sách chỉ mới hỗ trợ người mua nhà (hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở xã hội) song lại không hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến người dân không có nhà để mua, khoản vay hỗ trợ nhà ở xã hội vì vậy cũng không thể giải ngân như kỳ vọng.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành

Ưu đãi cho nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy

Ngay cả với các chính sách dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội đã có, song theo doanh nghiệp, các ưu đãi vẫn nằm trên giấy.

“Dự án nhà ở xã hội mất ít nhất 5 năm để hoàn thiện. Lợi nhuận định mức của dự án nhà ở xã hội tối đa 10% giá trị đầu tư xây dựng, tức lợi nhuận mỗi năm chỉ 2%, thấp hơn gửi tiền vào ngân hàng. Với lợi nhuận này, doanh nghiệp không muốn làm. Chưa kể, vô vàn vướng mắc về thủ tục. Doanh nghiệp chúng tôi rất tâm huyết với nhà ở xã hội, song việc triển khai dự án nhiêu khê từ đầu đến cuối, triển khai xong lại thanh kiểm tra rất lằng nhằng. Nhiều doanh nghiệp sau khi triển khai một dự án nhà ở xã hội không dám làm lại. Có doanh nghiệp bắt tay vào làm thấy vướng mắc lại chuyển sang dự án thương mại”, ông Nghĩa chia sẻ thực tế.

Các doanh nghiệp cho hay, thời gian qua, Chính phủ nhiều lần chỉ đạo quyết liệt về chủ trương khuyến khích nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục nào được ban hành, khiến doanh nghiệp và các địa phương không có căn cứ để triển khai. Có dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải gửi 50 văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng, song có đơn vị hàng tháng trời vẫn chưa trả lời doanh nghiệp.

Chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, thể chế hiện nay còn khấp khểnh, thiếu đồng bộ, nặng xin cho… cần nhanh chóng giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/vay-von-xay-nha-o-xa-hoi-lai-suat-14nam-doanh-nghiep-keu-troi-d183221.html