VBF 2022: Công nghệ số tăng khả năng kết nối của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tạo lập dịch vụ công tốt hơn
Việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ những chính sách kịp thời của Chính phủ như giải pháp trọng tâm để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên trong bối cảnh bình thường mới. Đây là một trong những nội dung chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm nay.
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng để tạo ra các dịch vụ công tốt hơn cũng như tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các ban ngành và các doanh nghiệp. Như vậy, công nghệ số giúp tiết kiệm nguồn lực hành chính, đơn giản hóa quy trình, thúc đẩy sự đổi mới và toàn cầu hóa khi kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tốt hơn.
Ông JOHN ROCKHOLD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Điện toán đám mây có thể đóng một vai trò nào đó trong việc tạo ra các dịch vụ tốt hơn đồng thời tạo điều kiện cho việc cộng tác và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ. Trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể tách nền kinh tế kỹ thuật số khỏi nền kinh tế thực. Chuyển đổi kỹ thuật số làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều đối tượng người tiêu dung và doanh nghiệp hơn, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn.”
Ông ALAIN CANY, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam: “Chúng tôi kiến nghị hợp tác công tư để xây dựng điện toán đám mây cho các cơ quan chính phủ, áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây thông minh và giảm chi phí bằng cách áp dụng các cơ chế công nhận, tuân thủ và bảo mật trên đám mây được quốc tế công nhận. Ngoài ra chúng tôi khuyến khích Việt Nam thúc đẩy các quy trình kỹ thuật số hiệu quả để trao đổi hàng hóa và dịch vụ quốc tế.”
Đồng thời, khai thác lợi ích của điện toán đám mây, các cơ quan nhà nước, tổ chức khu vực công có thể tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là phục vụ người dân. Được biết, hiện nay Chính phủ đã thành công triển khai hơn 1000 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, đại diện các Hiệp hội thành viên liên kết cho rằng, để có thể gọi thêm các nguồn vốn và nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam thì nên tăng cường sử dụng các cổng web và nộp tài liệu trực tuyến, chấp nhận và công nhận chữ kỹ điện tử, sử dụng thư điện tử giữa các cơ quan chức năng, bao gồm cả công văn chính thức đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông SECK YEE CHUNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, Đại diện các Hiệp hội thành viên liên kết: “Chúng tôi biết rằng một số thủ tục hành chính đã được chấp thuận cho thực hiện trực tuyến như thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài vẫn yêu cầu đến trực tiếp và nộp hồ sơ, như: thủ tục đăng ký đầu tư, phê duyệt M&A, đăng ký khoản vay nước ngoài,…Chúng tôi kêu gọi Chính phủ cũng áp dụng việt thực hiện trực tuyến cho các thủ tục nói trên giúp đưa nguồn vốn và đối tác mới vào Việt Nam, mở rộng và hỗ trợ hơn nữa các mô hình kinh doanh Fintech khác nhau, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động để thử nghiệm một số mô hình nhất định và đảm bảo rằng lĩnh vực này sẵn sàng đón nhận đầu tư cả nước ngoài và trong nước”.
Theo nhóm Công tác Kinh tế số VBF, để đạt được những bước tiến xa hơn nữa, việc công nhận các giấy tờ có chữ ký điện tử cấp cho cá nhân là rất quan trọng. Nền tảng của một thế giới số hóa là cung cấp các giải pháp điện tử thay thế cho chữ ký tay và nhận dạng cá nhân. Việc thống nhất các tiêu chuẩn của Việt Nam với các tiêu chuẩn trong Quy định về Định danh Điện tử và Dịch vụ Tin cậy (eIDAS) sẽ là bước đầu tiên, từ đó đẩy nhanh các quy định về các tiêu chuẩn Chữ ký Điện tử và hướng tới một tiêu chuẩn toàn cầu.
Thực hiện : Hoài Linh