VBF 2023: Vướng thủ tục đất đai, năng lượng, tác động thuế TTTC
Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển hạ tầng năng lượng, đơn giản hóa rào cản thủ tục hành chính, phân bổ tín dụng hợp lý, sớm nghiên cứu tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu...
Đây là những kiến nghị của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 (VBF 2023) diễn ra sáng nay 19/3.
Còn vướng mắc về thủ tục
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết, với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào của Việt Nam, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo này, và việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển đổi sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Các vấn đề về rác thải và thiếu nước cũng có thể được giải quyết với mô hình kinh tế tuần hoàn.
EuroCham đề cập tình trạng thủ tục khác nhau, không nhất quán trong cách giải thích của các địa phương về thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS). Thậm chí, có cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật.
Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái được cho là lý do chính. Theo EuroCham, để giải quyết, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương cần phối hợp để ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể trên toàn quốc về cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS) dưới 1 MW và trên 1 MW.
Cũng liên quan đến dự án RTS, các doanh nghiệp cho biết, việc có được giấy phép phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mất rất nhiều thời gian, dù Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC hệ thống điện mặt trời mái nhà từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán, theo cách hiểu của họ, khiến quá trình thẩm định kéo dài.
Việc thay đổi quy định về PCCC cũng làm khó các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, đang có phát sinh khi giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp lúc xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định hiện hành.
“Khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp bị buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây, và vẫn đang trong quá trình vận hành. Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan PCCC địa phương, dẫn đến có trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép...” - đại diện KorCham nêu vướng mắc.
Ông David Whitehead - thành viên Ban lãnh đạo Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) kiến nghị, cần tăng cường đầu tư cho các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng, phát triển những tuyến đường nối trung tâm dân cư lớn, ưu tiên dự án khí hậu, môi trường và an ninh lương thực, chẳng hạn như chống xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Whitehead cho rằng, sẽ rất hữu ích nếu Chính phủ xem xét giảm hoặc loại bỏ các loại thuế và phí nhiên liệu; đẩy nhanh thủ tục thông quan, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa thông qua nâng cao năng lực tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu chính. Mong có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp đầu ngành và doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực quan trọng như hàng không, vận tải, xây dựng và phân phối.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Greg Testerman, cho hay, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, cần phải ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn lực bên ngoài.
“Những cơ chế mà chúng tôi đưa ra về mua bán điện trực tiếp rất quan trọng để giảm được carbon cũng như có được tăng trưởng bền vững. Và điều quan trọng nữa trong việc thu hút đầu tư mới đối với năng lượng tái tạo là có được những dự án có khả năng cấp vốn ngân hàng năm 2023. Đấy là những tiêu chuẩn mà chúng tôi khuyến nghị đưa ra” - Chủ tịch AmCham chia sẻ.
Dù vậy, các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Vì vậy Chủ tịch AmCham đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) thêm một lần nữa khuyến nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và ban hành quy trình xin giấy phép rõ ràng, bao gồm khung thời gian thực hiện cụ thể, thông tin về đường dây khiếu nại.
“Thủ tục xin giấy phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục còn kéo dài, phức tạp. Các đơn vị quản lý chưa hành động phối hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển và độ mở của lĩnh vực này với doanh nghiệp quốc tế” - đại diện BritCham nhận định.
Trong danh sách khuyến nghị gửi tới VBF 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh...
VCCI cho biết, theo phản ánh từ doanh nghiệp, sự phiền hà vẫn còn trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, PCCC, môi trường, kho bạc và lao động...
Phân bổ tín dụng hợp lý, sớm nghiên cứu tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu
Bà Michele We - Trưởng Nhóm công tác ngân hàng bày tỏ, nhìn nhận các thách thức của năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ thế giới với các cú sốc địa chính trị và kinh tế, lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu và thắt chặt tiền tệ, các biến động khác như xung đột Ukraine/Nga.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát tăng cao, tỷ giá tăng, hoạt động tín dụng; tác động từ các biến động trên thị trường tài chính và bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, thanh khoản, nhu cầu tín dụng so với rủi ro và kiểm soát tỷ lệ an toàn ngân hàng của ngân hàng.
Nhóm công tác ngân hàng kiến nghị 4 vấn đề:
Thứ nhất, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh triển khai số hóa gắn với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
Việc đồng bộ hóa các quy định cũng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy toàn diện quá trình số hóa, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Công an, Bộ TT&TT, NHNN...) để hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro liên quan đến an ninh mạng, định danh điện tử, xác thực điện tử, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ưu tiên cho phép thực hiện toàn bộ quy trình định danh eKYC, công nhận chữ ký điện tử/định danh điện tử trong các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu cụ thể.
Hai là, về tăng trưởng xanh, ngành tài chính - ngân hàng phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân.
Thứ ba, đối với lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và có thể dẫn đến biến động hệ thống tài chính trong ngắn hạn. Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.
Nhóm công tác ngân hàng cho hay, mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiểm soát cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là một thách thức lớn trong năm 2023 do tác động từ những yếu tố ảnh hưởng đến lượng cầu.
''Do đó, chúng tôi kiến nghị NHNN luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND) và các dấu hiệu bất ổn tài chính, cùng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, tập trung cho đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn NHNN phân bổ tín dụng hợp lý để đảm bảo nhu cầu của các ngân hàng cũng như đáp ứng việc tiêu dùng của người dân” - Trưởng Nhóm công tác ngân hàng bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam Nagaoka Teketoshi, kiến nghị xem xét vận hành hệ thống linh hoạt như cho vay ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong Việt Nam để các công ty trong nước và công ty liên kết nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng những nguồn vốn trung và dài hạn chất lượng cao ở nước ngoài.
Hơn nữa, JCCI đặc biệt khuyến nghị việc triển khai các hoạt động kế toán cho ngân hàng để cải thiện tài chính và dòng tiền của các công ty tư nhân, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thuế và hải quan không chỉ ở thành phố lớn mà còn ở mỗi địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Hong Sun đặc biệt nhấn mạnh thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời mong muốn nhanh chóng triển khai các nghiên cứu lập pháp và thủ tục lập pháp.
Với chủ đề chính “Kinh tế xanh, phát triển bền vững và xây dựng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới”, VBF 2023 đã tập trung thảo luận vào các nội dung chính, gồm những vấn đề như: Chuẩn bị cho giai đoạn chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn với tham luận của nhóm công tác điện và năng lượng; nhóm công tác môi trường; nhóm công tác nông nghiệp.
Với vấn đề phát triển bền vững, tham luận tập trung của các nhóm như công tác đầu tư và thương mại; công tác kinh tế số và công tác cơ sở hạ tầng. Đối với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới có các tham luận của nhóm công tác thuế và hải quan; nhóm công tác giáo dục và đào tạo; nhóm công tác nguồn nhân lực; nhóm công tác du lịch; nhóm công tác khoáng sản...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vbf-2023-vuong-thu-tuc-dat-dai-nang-luong-tac-dong-thue-tttc.html