VCCI: 60 năm đồng hành vì doanh nghiệp và đất nước

Ngày 27/4/1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ ký Quyết định số 58-CP phê duyệt bản Điều lệ Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Từ đó, VCCI bắt đầu hành trình đồng hành với sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ về hành trình phát triển cũng như tầm nhìn của VCCI trong thời gian tới – Ảnh: VGP/HT

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ về hành trình phát triển cũng như tầm nhìn của VCCI trong thời gian tới – Ảnh: VGP/HT

Những bước đi đầu tiên

Sau khi thành lập, trong giai đoạn đầu khi đất nước còn chia cắt, hoạt động của Phòng Thương mại gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ là tập trung khai thông thị trường, thông qua quan hệ giao lưu kinh tế thương mại để mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, phá thế bao vây, cấm vận, phong tỏa về kinh tế, thực hiện sách lược ngoại giao nhân dân, vận động sự ủng hộ quốc tế cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, không chỉ tập trung vào các lĩnh vực mở rộng hoạt động ngoại thương của Việt Nam, Phòng Thương mại còn hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, năm 1982, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tên giao dịch Vietnam Chamber of Commerce and Industry (viết tắt là Vietcochamber), sau này đổi thành VCCI.

Tiên phong trong đổi mới, hội nhập quốc tế

Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước đã tạo sự hồi sinh cho nền kinh tế, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động của VCCI.

Theo đó, VCCI đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới, góp phần tích cực quảng bá rộng rãi Luật Đầu tư và các chính sách đổi mới của Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới

Nhìn nhận tầm quan trọng và vai trò ngày càng cao của VCCI trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN, năm 1993 Chính phủ đã cho phép VCCI được tách ra thành một tổ chức độc lập và VCCI tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II. Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành được bầu là Chủ tịch VCCI.

VCCI được giao thêm chức năng đại diện cho cộng đồng DN đang hình thành, phát triển rất nhanh tại nước ta. Thời gian này, VCCI vừa đồng hành và thúc đẩy phát triển cộng đồng DN, vừa tham mưu, tư vấn chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, vận động và thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về gia nhập WTO, các hiệp định thương mại với các nước.

TOP 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế (PCI) xuất sắc nhất năm 2022- Ảnh: VGP/HT

TOP 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế (PCI) xuất sắc nhất năm 2022- Ảnh: VGP/HT

Tháng 4/2003, tại Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ IV, ông Vũ Tiến Lộc được bầu làm Chủ tịch. Từ đây, VCCI bước vào giai đoạn trưởng thành và khẳng định vai trò, vị thế, sự đóng góp cho đất nước của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đề xuất của VCCI và các hiệp hội DN, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, được Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiệm vụ, năm 2011 Đảng đoàn VCCI đã chủ trì tham mưu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, văn kiện đầu tiên của Đảng, Nhà nước về doanh nhân.

Để góp phần tạo động lực cải cách từ cơ sở, trong điều kiện Chính phủ thực hiện chủ trương phân cấp mạnh mẽ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, VCCI còn tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh quan trọng, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng với DN, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam…

Khát vọng mới 2045 và vấn đề đạo đức doanh nhân

Thực hiện đường lối phát triển đất nước được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII tổ chức tháng 12/2021 đã đưa VCCI bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng “DN vững mạnh- Quốc gia thịnh vượng”. Đây là tầm nhìn cho giai đoạn mới của đất nước ta, đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đại hội đã thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tên tiếng Anh và tên viết tắt là VCCI), đồng thời đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, DN và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam – Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam – Ảnh: TTXVN

Đó là thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong DN. VCCI vừa phát huy các hoạt động truyền thống đã có, vừa đổi mới, phát triển thêm các nội dung và phương thức hoạt động mới để đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn.

VCCI cũng tổ chức hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, định hướng, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hoạt động phát triển DN bền vững, hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nhân nữ,…

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự phát triển của đất nước, VCCI luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và cộng đồng DN giao phó, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, sự lớn mạnh của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn toàn quốc với trên 200 hiệp hội DN và trên 200.000 DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế.

VCCI đã vinh dự đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều hình thức khen thưởng cao quý khác.

Sau hơn 35 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, DN.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các DN phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công, nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng quyết định sự thắng thua, thành bại. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển.

Ở Việt Nam, đại đa số doanh nhân, DN làm ăn chân chính với bản lĩnh, sự sáng tạo và nỗ lực vươn mình vượt qua khó khăn. Nhưng cá biệt vẫn còn những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây thiệt hại cho xã hội. Gần đây đã có một số vụ án liên quan đến các doanh nhân kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, DN, hình ảnh quốc gia.

Cùng với Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng đội ngũ doanh nhân, việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh là một yêu cầu cấp thiết để có được một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh theo đúng yêu cầu của Đảng. Do vậy VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiến bộ.

Ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, (2) Tuân thủ pháp luật, (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính, (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Sáu quy tắc này là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân Việt Nam được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, DN nước ta. Để thúc đẩy các doanh nhân thực hành các quy tắc đạo đức doanh nhân, VCCI đã đưa các tiêu chí về đạo đức doanh nhân lên hàng đầu, là điều kiện tiên quyết trong bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 và tôn vinh 60 doanh nhân, tôn vinh Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2022. Đây là những tấm gương điển hình cho việc thực hiện các quy tắc đạo đức doanh nhân mà VCCI công bố.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Để thực hiện điều này, đất nước cần tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn để doanh nhân, DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN cần phải tăng cường hơn nữa tính liên kết hợp tác, đặc biệt trong hội nhập quốc tế. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các DN lớn, DN đầu ngành, phát huy vai trò của những “sếu đầu đàn”, đảm đương vai trò chủ lực trong các lĩnh vực kinh tế then chốt của quốc gia, là chỗ dựa để dẫn dắt các DN nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công. Đồng thời xây dựng đội ngũ đông đảo các DNNVV làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, tự tạo thành các chuỗi cung ứng của các DN Việt Nam và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại hội lần thứ VII của VCCI đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để thực hiện sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển DN, các hiệp hội DN bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Đặc biệt, Đảng đoàn VCCI vừa hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao về xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở kết quả tổng kết này, VCCI đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị về những phương hướng, giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao đến năm 2045.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/vcci-60-nam-dong-hanh-vi-doanh-nghiep-va-dat-nuoc-10223042602371215.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/577878-vcci-60-nam-dong-hanh-vi-doanh-nghiep-va-dat-nuoc.html