VCCI: Chỉ 4% doanh nhân được hỏi biết thỏa thuận xanh xuất khẩu sang EU

Một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện cho thấy, 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%.

Đây là kết quả từ báo cáo thỏa thuận xanh và xuất khẩu của Việt Nam do Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thực hiện.

Với riêng ngành dệt may, ngoài các yêu cầu từ Thỏa thuận Xanh, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ.

Với riêng ngành dệt may, ngoài các yêu cầu từ Thỏa thuận Xanh, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ.

Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.

Được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Chỉ trong chưa đầy 4 năm triển khai Thỏa thuận Xanh, EU đã có nhiều chính sách xanh đang/dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu (các tiêu chuẩn kỹ thuật xanh mới, hoặc sửa đổi, nâng cấp yêu cầu hoặc mở rộng diện áp dụng của các tiêu chuẩn hiện có).

Nhóm tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững” (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua…).

Và cuối cùng là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ đất trồng, về lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất trên đơn vị sản phẩm…), hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng (ví dụ về ghi nhãn, về hộ chiếu số cho sản phẩm…)

Với các chính sách xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận Xanh EU, các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, 3 linh kiện liên quan; Nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; Thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); Dệt may, giày dép; Các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; Sắt thép, nhôm, xi măng; và Bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…).

Theo bà Trang, thách thức mà Thỏa thuận Xanh đặt ra với xuất khẩu Việt Nam trước hết nằm ở sự thay đổi, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hiệp hội và các chủ thể liên quan. Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi Thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất, mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Trong khi đó, một Khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia Khảo sát khác (8-12%).

Do đó, việc đầu tiên cần làm để ứng phó với các tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam là chủ động tìm hiểu về Thỏa thuận Xanh để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp.

Từ góc độ thị trường, theo bà Trang, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.

Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…).

Ngoài các giải pháp chung cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam sang EU được khuyến nghị cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là các chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai Chiến lược “Từ trang trại tới bàn ăn” (F2F) và Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng và các đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình; và có hành động chuẩn bị phù hợp, chủ động và tích cực để sẵn sàng tuân thủ.

Với riêng ngành dệt may, ngoài các yêu cầu từ Thỏa thuận Xanh, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh của riêng mình ngay từ bây giờ nhằm đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng và khách hàng, từ đó, bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/vcci-chi-4-doanh-nhan-duoc-hoi-biet-thoa-thuan-xanh-xuat-khau-sang-eu-1096661.html