VCCI: Doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ làm gia tăng gánh nặng thủ tục hành chính
Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đơn cử, tại Khoản 5 Điều 4 Dự thảo giải thích từ ngữ về “hoạt động đại lý bảo hiểm” theo hướng liệt kê các hoạt động của đại lý. Việc quy định theo hướng liệt kê có thể khiến cho quy định không bao quát được các trường hợp trên thực tế.
Ví dụ: đại lý bảo hiểm còn có thể thực hiện các hoạt động như: bàn giao hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, thống kê, nhập liệu thông tin đơn bảo hiểm, cung cấp nền tảng công nghệ thông tin để khách hàng đăng ký tham gia bảo hiểm/nộp phí bảo hiểm/yêu cầu trả tiền bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xác minh việc xảy ra sự kiện bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp khách hàng có thắc mắc về điều kiện điều khoản trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, … Đây là những công việc chưa được liệt kê trong quy định tại khoản 5 Điều 4.
VCCI cho rằng, để đảm bảo quy định phù hợp với thực tế, đề nghị bổ sung quy định dạng quét tại khoản 5 Điều 4 như sau: “Hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động bao gồm tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài”.
Hay như tại Điểm a khoản 2 Điều 74 Dự thảo quy định khi thay đổi điều lệ của doanh nghiệp, quy chế hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính.
VCCI cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.
“Điều lệ của doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các nguyên tắc tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ mà không cần phải đăng ký/thông báo, trừ trường hợp thay đổi chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, các thay đổi quan trọng đã phải thực hiện các thủ tục xin phê duyệt từ Bộ Tài chính, do đó, việc yêu cầu thông báo trước khi thay đổi Điều lệ là không thực sự cần thiết”, kiến nghị của VCCI ghi rõ.
Tại Điểm a khoản 2 Điều 85 Dự thảo quy định về yêu cầu của hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài đó là “có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính”.
Các doanh nghiệp cho rằng, giới hạn rủi ro có thể xác định theo phương pháp định lượng hoặc định tính (cao, trung bình, thấp), tùy thuộc vào từng loại rủi ro và khả năng thu thập dữ liệu để đánh giá cho từng loại rủi ro. Một số loại rủi ro như rủi ro tuân thủ, rủi ro danh tiếng, rủi ro hoạt động rất khó có thể lượng hóa được các ảnh hưởng, tác động của rủi ro đến vốn, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như rủi ro tín dụng hay rủi ro thị trường.
Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: “Có khả năng xác định và đánh giá mức độ rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính và các tác động khác tới hoạt động kinh doanh;”
Liên quan tới vấn đề phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Khoản 2 Điều 99 Dự thảo quy định khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 99 Dự thảo thì những nội dung về phá sản không quy định tại Điều 99 sẽ áp dụng theo quy định của Luật Phá sản, trừ quy định về hội nghị chủ nợ và thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, quy định tại Điều 99 Dự thảo và Luật Phá sản 2014 lại rất khó để áp dụng cùng nhau. Cụ thể:
Theo quy định của Luật Phá sản 2014, Tòa án phải tuyên bố doanh nghiệp phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản.
Trong khi đó, Điều 99 Dự thảo lại quy định Tòa sẽ tiến hành thanh lý tài sản ngay sau khi mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Tức là, thời điểm này doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị tuyên bố phá sản. Như vậy, quy định tại Dự thảo sẽ không rõ thời điểm nào doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố là phá sản” hay là doanh nghiệp bảo hiểm không cần bị tuyên bố phá sản?
Trong Báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo đang sửa đổi quy định theo hướng “tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản”.
"Hướng sửa đổi này là hợp lý, tuy nhiên Dự thảo vẫn chưa thể hiện được định hướng này, đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 99 Dự thảo", VCCI đề xuất.