VCCI hỗ trợ doanh nghiệp tìm giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững
Ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo 'Hợp tác Thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững trong doanh nghiệp'.
Hội thảo trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” - Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ và Dự án “Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh” - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tài trợ.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” nêu rõ nhiệm vụ của VCCI là huy động các hiệp hội, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kết nối với hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các nước để kêu gọi, thu hút sự tham gia hỗ trợ tài chính và công nghệ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp. Mô hình kinh doanh Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận. VCCI đang nỗ lực phối hợp với các đối tác triển khai các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ và trong ngành chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Ông John Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao của Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết, hiệu quả năng lượng là một giải pháp dễ dàng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Nó cung cấp những cách thức tức thì và hiệu quả về chi phí để giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính. Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp, hiệu quả năng lượng có thể dẫn đến tiết kiệm đáng kể trên hóa đơn năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cải thiện an ninh năng lượng tổng thể. Ngoài ra, các biện pháp hiệu quả năng lượng thường thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, nâng cao sự đổi mới công nghệ và góp phần cải thiện sức khỏe môi trường bằng cách giảm ô nhiễm. VCCI và ETP sẽ cung cấp hỗ trợ thêm để phát triển các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng và giúp chủ dự án tiếp cận và đàm phán với các nhà tài trợ tiềm năng từ cả thị trường trong và ngoài nước. Sự kiện kết nối ngày hôm nay là một trong những hoạt động chính của dự án nhằm đưa các doanh nghiệp và các nhà tài trợ tiềm năng lại với nhau, hỗ trợ doanh nghiệp khám phá các giải pháp kỹ thuật và tài chính và thảo luận về các cơ hội tài trợ tiềm năng. Ông John Cotton khẳng định, sự hợp tác của tất cả các bên trong chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả có thể tạo ra một tương lai sạch hơn, xanh hơn và thịnh vượng hơn cho Việt Nam
Cập nhật các hoạt động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ, ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện Trưởng phụ trách điều hành, Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc VCCI chia sẻ, trong năm đầu tiên, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một cuộc khảo sát toàn diện với doanh nghiệp 02 ngành đã được triển khai, qua đó nắm được cụ thể hơn các khó khăn, thách thức của doanh nghiệp để định hướng hoạt động hiệu quả hơn.
Dự án cũng đã xây dựng cẩm nang, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp trong thiết lập và duy trì hệ thống quản lý dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý năng lượng và kiểm kê khí nhà kính. Đặc biệt, dự án đã thiết lập được mạng lưới chuyên gia, đối tác trong nước và quốc tế, hỗ trợ khảo sát đánh giá doanh nghiệp, với mục tiêu đạt được là hỗ trợ kiểm toán năng lượng; đánh giá, xây dựng và hoàn thiện dự án năng lượng có khả năng tiếp cận nguồn vốn cho 03 doanh nghiệp
Tại hội thảo, bà Bà Phùng Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Công nhận chất lượng Việt Nam (VACI) đã chia sẻ Chính sách pháp luật hiện hành về quản lý năng lượng, giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính và các lưu ý đối với doanh nghiệp về các tiêu chuẩn thị trường liên quan đến hàng hóa dịch vụ quốc tế. Bà Phùng Thị Thu Hằng cũng cung cấp các thông tin về quá trình thẩm tra khí nhà kính và đánh giá iso 50001:2018 và tư vấn cho doanh nghiệp các bước thực hiện kiểm kê, thẩm tra và xác nhận kiểm kê khí nhà kính.
Đại diện từ Công ty TNHH Yuko Việt Nam và Công ty GreenYellow Việt Nam đã có những phần trình bày về Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính thông qua biện pháp quản lý năng lượng và đầu tư theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và Giới thiệu giải pháp tiết kiệm & hiệu quả năng lượng.
Đại diện từ Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) cung cấp thông tin về Giải pháp tài chính ưu đãi của AFD dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, AFD cam kết hơn 2,3 tỉ EUR cho hơn 100 chương trình, dự án phát triển bền vững. Chiến lược hoạt động của AFD chỉ có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng ban Chuyển đổi năng lượng, AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam, AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng và các ngân hàng cấp tín dụng cho Doanh nghiệp và AFD có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.
Ông Jorgen Hvid - Đại diện Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cung cấp các thông tin về cơ chế hỗ trợ kỹ thuật của chương trình để giúp doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và phát triển dự án tiết kiệm năng hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các diễn giả đến từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh… đã chia sẻ về các giải pháp tài chính ưu đãi, cơ chế tài chính và đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng tiết kiệm và công nghệ carbon thấp của doanh nghiệp.
Hội thảo là dịp kết nối cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ/điều hành với các chuyên gia, đơn vị tư vấn giải pháp về năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả và công nghệ carbon thấp, ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về các sáng kiến trong lĩnh vực tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững cho doanh nghiệp.