VDSC: Tỷ giá có thể giảm trở lại vào cuối năm, áp lực mất giá tiền đồng sẽ được kiềm chế
Tuy nhiên, VDSC cho rằng áp lực đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn do thách thức đến từ việc lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc chỉ số USD neo ở mức cao.
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ tháng 10, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay trong bối cảnh USD tiếp tục neo cao ở mức 106-107, tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh so với USD trong tháng 10 nhưng vẫn chưa trở lại vùng đỉnh đã thiết lập vào tháng 10/2022.
Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ngày 25/10 là 24.571 đồng/USD, cao hơn 1,09% so với cuối tháng 9. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,5 - 4,3%, tùy vào tỷ giá tham chiếu, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do.
Tỷ giá bán tại Vietcombank hiện đang ở mức 24.760 đồng/USD, cao hơn 4,3% so với đầu năm, tỷ giá bán USD trên thị trường chợ đen là 24.600 đồng/USD, cao hơn 3,5% so với đầu năm.
VDSC cho rằng áp lực đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn do thách thức đến từ việc lợi suất tại thị trường Mỹ tăng về mức kỷ lục cùng với việc chỉ số USD neo ở mức cao.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Công ty Chứng khoán ACBS, nhận định áp lực tỉ giá đến từ 2 nguyên nhân chính là sự chênh lệch lãi suất USD và VNĐ từ tháng 5/2023 đến nay và chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế tăng.
Các yếu tố gồm tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản dồi dào, lãi suất liên NH duy trì mức thấp, chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VNĐ ở mức 3%-3,5% trong thời gian khá dài đã khiến ngân hàng có động lực giữ trạng thái mua ròng đối với USD, góp phần đẩy tỉ giá tăng.
NHNN nhận định từ khoảng giữa tháng 6/2023 đến nay, tỉ giá chịu áp lực nhất định và có xu hướng tăng do giá USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao. Trong khi đó, lãi suất VNĐ giảm và ngày càng thấp so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, gây áp lực lên tiền đồng.