VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh muốn bảo vệ 3 HCV SEA Games
Là một trong những VĐV thành công nhất lịch sử điền kinh Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh đang hướng tới SEA Games 32 với quyết tâm cao.
Cô gái nhỏ bé quê Bắc Giang luôn thi đấu, tập luyện với trách nhiệm cao nhất và cố gắng tìm kiếm hình mẫu mình mong muốn.
Chấn thương, viêm cầu thận không thể ngăn tôi chạy
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, chị sẽ bước vào tranh tài tại SEA Games 32. Cho tới lúc này, chị có tự tin với sự chuẩn bị và phong độ của mình?
Ngày khởi tranh tại SEA Games 32 đang rất gần rồi và hiện tại tôi vẫn đang chăm chỉ nỗ lực tập luyện. Về phong độ, tôi nghĩ mình đang ở trạng thái tốt nhất. Tôi tham dự một số giải đấu để làm nóng, đánh giá bản thân thì kết quả tương đối khả quan. Bởi vậy, tôi hoàn toàn tự tin so tài trên đất Campuchia vào tháng 5 tới.
Tại SEA Games 31, chị giành 3 HCV, vậy mục tiêu ở kỳ SEA Games sắp tới là gì?
Tôi tiếp tục đăng ký thi đấu ở 3 nội dung sở trường là 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Đương nhiên, tôi vẫn đặt mục tiêu bảo vệ tấm HCV ở cả ba nội dung này.
Những kỳ SEA Games gần đây, chị luôn thi đấu xuất sắc và không bao giờ ngừng nghỉ. Điều gì giúp một cô gái nhỏ bé có được nguồn năng lượng tuyệt vời như vậy?
Mỗi VĐV thể thao đều muốn cố gắng vươn xa hơn vị trí hiện tại. Tôi cũng vậy, luôn nỗ lực để có thể thi đấu tốt nhất, nâng cao thành tích bản thân. Muốn vậy, tôi phải tập trung cao nhất, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với cơ thể.
Bên cạnh đó là sự động viên của các thày, đồng nghiệp cũng như người hâm mộ. Ngoài ra, việc sinh ra trong một gia đình không có điều kiện kinh tế cũng thôi thúc tôi phải mạnh mẽ tiến về phía trước.
Chạy dường như là lẽ sống của chị, đã có khi nào chị cảm thấy… chán chạy?
Đúng vậy, với tôi, chạy không đơn thuần là công việc mà còn là lẽ sống, là niềm vui. Tôi chưa khi nào chán chạy nhưng đã từng có những thời điểm cảm thấy suy sụp.
Khi mới lên đội tuyển, tôi gặp chấn thương nặng phải nghỉ tới 6 tháng và đã nghĩ sự nghiệp của mình phải chăng chưa nở đã tàn. Rồi tới năm 2014, tôi bị bệnh viêm cầu thận phải dừng hẳn tập luyện để chữa trị, bản thân rất chán nản, stress.
Tuy nhiên, rất may là tôi đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.
Những năm qua, với nhiều thành tích xuất sắc, tiền thưởng chắc không ít, chị thường sử dụng vào những việc gì?
Tiền lương theo chế độ của tôi không nhiều, chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu thi đấu thành công ở các giải đấu lớn như SEA Games thì tôi sẽ nhận thêm các khoản thưởng nhưng cũng không nhiều bởi địa phương khó khăn còn ngành thể thao đã có khung cố định.
Tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm, dành một phần thu nhập đỡ đần bố mẹ ở quê, sửa sang nhà cửa, mua sắm vài vật dụng. Ngoài ra, tôi dùng để trang trải học hành chương trình đại học và sau đại học, chăm sóc sức khỏe và một chút cho nhu cầu cá nhân.
Không thể cao hơn nhưng có thể giỏi hơn
Với nhiều thành tích xuất sắc và được nhiều người biết tới, chị có phải chịu áp lực của một người nổi tiếng?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng nhưng cũng ý thức việc phải giữ gìn hình ảnh của mình, truyền đi năng lượng tích cực. Nói thế không có nghĩa là tôi cố chạy theo chuẩn mực xã hội muốn.
Trước đây, từng có người bảo tôi trông “men” thế, cơ bắp thế, rồi thấp bé thế thì chạy kiểu gì. Nhưng qua thời gian tôi nhận ra những gì người ta nghĩ tôi có thể làm được khác với những gì tôi thực sự làm được.
Tôi thoải mái mặc theo gu riêng, tôi không thể cao hơn nhưng có thể giỏi hơn. Sau tất cả, tôi đi tìm kiếm hình mẫu tôi mong muốn.
Cuộc sống của một VĐV thường được cho là tẻ nhạt bởi quanh năm chỉ tập luyện và thi đấu, chưa kể tới việc ăn ở tập trung, chị có hài lòng với cuộc sống như vậy?
Nhìn từ bên ngoài thì đúng là như vậy, VĐV thể thao không có nhiều thời gian cho các sở thích cá nhân nhưng tôi vẫn luôn tìm cách để cân bằng cảm xúc.
Ngoài tập luyện, thi đấu, tôi dành thời gian rảnh để lưới web, trò chuyện cùng bạn bè qua mạng xã hội hoặc đi mua sắm, du lịch ngắn ngày.
Đồ tôi mua chủ yếu phục vụ cho tập luyện, thi đấu chứ ít váy vóc điệu đà. Tôi cũng thích la cà quán xá nhưng không ăn những thứ không tốt cho sức khỏe, tập luyện.
Rồi những lúc chán nản tôi sẽ đi sơn móng, con gái mà, ai cũng có nhu cầu làm đẹp. Nhìn chung tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Quanh năm tập luyện ngoài trời, điều đó có khiến các cô gái trẻ theo nghiệp điền kinh lo sợ?
Con gái ai cũng sợ xấu nhưng đã chọn nghiệp thể thao thì tôi cũng như nhiều nữ VĐV khác phải chấp nhận.
Điền kinh không giống những môn khác khi mưa hay nắng đều phải tập luyện ngoài trời, không tránh khỏi da bị đen, bị tổn thương. Bởi vậy, kem chống nắng là loại mỹ phẩm tôi dùng nhiều nhất, nhưng nó cũng chỉ hạn chế được phần nào.
Chị đã có dự định gì khi giải nghệ?
Thời điểm này tôi chưa nghĩ tới việc giải nghệ, nếu còn thi đấu được tôi vẫn sẽ cống hiến để đem về thành tích cho đội tuyển cũng như địa phương.
Hiện, tôi đã có biên chế tại ngành thể thao Bắc Giang và sẽ nhận bằng Thạc sĩ trong năm 2023.
Ngoài chạy tôi không thấy mình giỏi điều gì, nên tôi mong muốn khi kết thúc sự nghiệp thi đấu sẽ chuyển sang làm công tác huấn luyện. Nếu dư giả thời gian tôi có thể suy nghĩ về việc kinh doanh đồ thể thao, công việc trước đây tôi từng làm nhưng hiện đã chuyển cho bạn quản lý.
Cảm ơn chị!
VĐV Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1995, tại Bắc Giang trong một gia đình thuần nông có tới 8 anh chị em (Oanh là con thứ 7). Từ nhỏ, Oanh đã thích chơi thể thao, đặc biệt là chạy. Năm 15 tuổi, cô được tuyển vào Đội điền kinh Bắc Giang, chỉ 2 năm sau cô lên tập trung đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Văn Sỹ.
Trong sự nghiệp của mình, cô giành nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật là 8 tấm HCV ở các kỳ SEA Games. Hai kỳ SEA Games gần nhất, cô thống trị tuyệt đối 3 nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật 5.000m. Ngoài ra, Oanh còn giành HCV nội dung chạy băng đồng (đồng đội nữ) tại Giải điền kinh bãi biển châu Á 2016.
Nguyễn Thị Oanh đã hai lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu số 1 của thể thao Việt Nam vào năm 2019 và 2022. Cô cũng vinh dự hai lần giành Cúp Chiến thắng, giải thưởng vốn được ví như “Oscar Thể thao Việt Nam” và các năm 2019 và 2022.