VĐV dính doping được thêm thời gian giải trình

Liên quan tới vấn đề chất cấm trong thể thao, đặc biệt là các trường hợp tuyển thủ đội điền kinh Việt Nam dính doping, lãnh đạo ngành đã có thêm nhiều chia sẻ.

Thể thao Việt Nam vẫn chưa công bố chính thức danh tính 5 tuyển thủ đã dính doping. Ảnh: MINH CHIẾN

Thể thao Việt Nam vẫn chưa công bố chính thức danh tính 5 tuyển thủ đã dính doping. Ảnh: MINH CHIẾN

Nhờ Đại hội thể thao toàn quốc, thêm thời gian giải trình

Cho biết ở ngày 29-12 trong cuộc gặp mặt báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn chia sẻ “hiện thời gian giải trình của VĐV nghi án dính chất cấm (doping) vẫn còn thời gian. Trước đây, thời gian dự kiến ngày 14-12 là hạn cuối tuy nhiên do thời gian qua chúng ta tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 nên thời gian này được kéo dài thêm. Dự kiến, thông tin chính thức sẽ sớm có và chúng tôi sẽ công bố ngay”.

Trước đó, ngành thể thao đã xác nhận cụ thể 5 trường hợp VĐV thuộc đội điền kinh Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 vừa qua dính doping. Qua tìm hiểu, họ là những người có trong nhóm giành kết quả huy chương.

“Sự việc chúng ta có VĐV dính doping khi thi đấu SEA Games 31 vừa qua là cú sốc với ngành thể thao. Chúng ta không bao giờ chủ trương sử dụng doping và nói không với điều này. Việc kiểm soát của các đội tuyển thể thao rất chặt chẽ nhưng vẫn có trường hợp dính và đây là điều bàng hoàng”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt, ngành thể thao cùng đội ngũ y tế đã kiểm tra rất kỹ càng nguồn dính và từ nguyên do gì để từ đó có các giải pháp tốt nhất. Được biết, số đông VĐV điền kinh liên quan tới doping vừa qua là do sử dụng thực phẩm bổ sung. “Bác sĩ đã có kiểm tra nhưng chỉ biết được theo thành phần ghi bên ngoài. Khi chúng tôi nhờ Viện khoa học hình sự Bộ Công an kiểm tra bằng máy với chất ở trong thì có thành phần nằm trong danh mục là doping. Buồn là thực phẩm trên do các em tự mua để bổ sung khi hoạt động, tập luyện”, ông Việt nói thêm.

Sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa

Lãnh đạo ngành cho biết công tác về doping đã và đang được kiểm soát chặt chẽ và sẽ chặt chẽ hơn nữa và việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cho VĐV được đề cao.

“Chúng tôi buồn vì trong số các trường hợp dính doping của điền kinh vừa qua, có cả VĐV thuộc nhóm trọng điểm của thể thao Việt Nam. Trong 7 năm trở lại đây, thể thao Việt Nam nỗ lực triển khai các giải pháp về phòng, chống doping. Tuy nhiên, như mọi người thấy, nguồn lực tài chính có hạn nên còn nhiều trở ngại. Tuy thế, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp để không có các sự cố đáng tiếc nào xảy ra”, ông Phấn phân tích.

Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, ngay tại các điểm thi đấu, đội ngũ thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping thực hiện ngay khi các VĐV thi đấu xong. Ngành thể thao đã lấy khoảng 160 mẫu thử tuy thế, việc kiểm tra phụ thuộc rất nhiều ở kinh phí bởi với công tác kiểm tra doping, toàn Đại hội chỉ được cấp kinh phí trên dưới 900 triệu đồng và đây là con số không nhiều.

“Chúng ta cũng phải nói không với các thực phẩm bổ sung bán tràn lan trên thị trường. Ngành thể thao luôn ưu tiên sử dụng những thực phẩm bổ sung của nhãn hàng lớn và có chứng nhận quốc tế về đảm bảo an toàn. Tuy vậy, với những nhãn hàng này thì chi phí, giá thành cao nên đây là bài toán không dễ để giải”, ông Đặng Hà Việt nói thêm. Với các nhà quản lý, câu chuyện doping từ phòng chống cho tới ngành được trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn và có thêm nhiều người được đào tạo chuyên sâu với lĩnh vực này vẫn là một mục tiêu quan trọng hướng tới trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Do nằm trong nghi vấn dính doping nên 5 tuyển thủ của đội điền kinh Việt Nam đã không được dự Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 vừa qua. Chỉ khi Trưởng đoàn thể thao Việt Nam là ông Trần Đức Phấn công bố thì danh sách mới là chính thức và đúng văn bản từ tổ chức phòng chống doping quốc tế - WADA.

MINH CHIẾN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vdv-dinh-doping-duoc-them-thoi-gian-giai-trinh-post673874.html