VĐV tập luyện ngày rét: Khởi động kĩ, mặc nhiều áo là biện pháp hàng đầu
Để tránh các trường hợp gặp chấn thương ngoài ý muốn trong thời tiết lạnh, VĐV phải giành nhiều hơn thời gian khởi động trước mỗi buổi tập.
Với mỗi VĐV chuyên nghiệp, thi đấu thành tích cao, việc luyện tập thường xuyên, cố định luôn được xem là yêu cầu tiên quyết. Một ngày sinh hoạt của các VĐV sẽ có hai buổi tập chính vào buổi sáng vào buổi chiều. So với những quãng thời gian mùa hè hay xuân trong năm, việc tập luyện trong thời tiết giá lạnh mùa đông khó khăn hơn rất nhiều.
Thời điểm từ ngày 8/1 đến 13/1 vừa qua, các tỉnh Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ đã phải đón nhận đợt không khí lạnh mạnh đã bao trùm toàn bộ khu vực khiến cho nhiệt độ giảm sâu, gây ảnh hưởng lớn tới việc tập luyện của VĐV, đặc biệt là trong các buổi tập sáng.
"Tập luyện trong thời tiết lạnh ngày đông rất dễ xảy ra chấn thương nếu không chuẩn bị kĩ. So với những mùa khác, vào những ngày thời tiết lạnh, tôi giành thời gian khởi động lâu hơn và cũng mặc nhiều áo hơn để giữ ấm sau khi tập" - VĐV Đinh Thị Bích (Điền kinh) cho biết.
Trên thực tế, việc tập luyện trong thời tiết lạnh với đa phần các VĐV thuộc các môn vận động toàn thân như Điền kinh, Pencak Silat, Bóng chuyền, Bóng đá... không gặp quá nhiều ảnh hưởng bởi toàn bộ cơ thể sẽ được khởi động nóng lên.
Tuy nhiên, với một số VĐV tập luyện các môn đặc thù như Rowing, Bơi lội... thường xuyên tiếp xúc với mặt nước hay Bắn súng, Bắn cung... yêu cầu tập tĩnh thì việc giữ ấm cần chú ý hơn rất nhiều.
Ở thời điểm hiện tại, đa phần các VĐV Bơi lội đang tập trung tập huấn ở các tỉnh miền Nam để thuận lợi cho việc tập luyện với khí hậu ấm áp.
"Bọn tôi hiện đang tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ. Ở đây chỉ có 2 mùa nắng với mưa, không có mùa lạnh nên không ảnh hưởng quá nhiều vào việc tập luyện" - kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (Bơi lội) cho hay.
Dẫu vậy, không phải tất cả các nội dung đều tập trong miền Nam, nội dung Nhảy cầu hiện vẫn đang tập trung ở Hà Nội. Ảnh hưởng của thời tiết khiến cho các VĐV Nhảy cầu không thể xuống nước mà chỉ tập thể lực.
"Trời lạnh gây ảnh hưởng nhiều đến việc tập luyện của bọn mình vì không thể xuống nước. Hiện bọn mình chỉ có thể tập thể lực trên bờ. Sau thời gian nữa thời tiết ấm dần mới có thể xuống nước tập luyện" - VĐV Nhảy cầu Ngô Mai Phương chia sẻ.
Trong khi đó, với đặc thù gắn liền với việc tập luyện trên mặt sông rộng, Rowing được xem là môn gặp nhiều khó khăn nhất trong thời tiết lạnh bởi diện tích tập luyện lớn, hút gió khiến nhiệt độ thấp hơn.
Theo VĐV Lường Thị Thảo (Rowing), một trong bốn VĐV giành HCV đầu tiên cho Việt Nam tại ASIAD 18 cho biết, thời tiết lạnh những ngày qua cũng khá ảnh hưởng đến buổi tập luyện của VĐV.
Thời tiết mùa này hay có gió, lịch tập của đội lại bắt đầu từ rất sớm nên rất lạnh. Bên cạnh đó, sóng, gió làm khiến cho VĐV khó khăn hơn trong việc thăng bằng thuyền, thời tiết giá buốt cũng khiến VĐV khó cầm chèo hơn.
"Trong tập luyện ở thời tiết lạnh này thì bọn mình chỉ có biện pháp là giữ ấm cho bản thân, mặc khá nhiều áo ấm và khởi động thật kĩ để làm nóng cơ thể trước khi vào giáo án thôi" - VĐV Lường Thị Thảo (Rowing) chia sẻ.
Giống như Rowing, đối với 2 môn Bắn cung, Bắn súng, việc tập luyện gặp nhiều khó khăn hơn bởi VĐV luyện tập 2 môn này khá tĩnh, không vận động toàn thân mà chỉ sử dụng chủ yếu là tay trong quá trình tập luyện.
"Bọn mình không thể mặc áo dày trong lúc tập luyện bởi sẽ vướng dây cung không bắn được nên thường bị rét, chân tay buốt không thực hiện được hết các động tác, ảnh hưởng tới việc tập luyện" - VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung) chia sẻ,
Để khắc phục khó khăn trên, các VĐV của 2 môn này thường mua áo giữ nhiệt lót nỉ để cơ thể được giữ ấm hơn phần nào và khoác thêm áo phao 3 lỗ mỏng lúc tập luyện.
Theo dự báo, trong tháng 1, không khí lạnh hoạt động mạnh nên xuất hiện nhiều ngày rét kéo dài. Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 3 - 4 đợt rét đậm, rét hại.
4 quy tắc khi tập luyện ngày rét
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để đảm bảo hiệu quả tập luyện và tránh gặp những chấn thương không đáng có, các VĐV chuyên nghiệp cần lưu ý 4 quy tắc sau:
- Khởi động kỹ trước khi bước vào tập luyện: Việc khởi động từ 10 - 15 phút trước khi bước vào tập luyện nhằm làm nóng cơ thể trong mọi thời điểm. Đều giúp VĐV làm quen với các chuyển động.
- Uống nước liên tục: Thời tiết lạnh mùa đông khiến cảm giác khác của VĐV giảm đi dù quá trình mất nước vẫn diễn ra. VĐV cần đảm bảo tiếp nước đầy đủ khoảng 500 ml nước trong mỗi giờ hoạt động thể chất.
- Giữ thân nhiệt: Tình trạng hạ thân nhiệt đột ngột có thể khiến cơ thể mắc các bệnh liên quan đường hô hấp hoặc ảnh hưởng hiệu quả tập luyện. Do đó, VĐV cần trang bị thêm quần áo, giữ khô người sau quá trình tập luyện.
- Hít thở đúng cách: Theo khuyến cáo, VĐV nên thở bằng đường mũi khi trời lạnh để không khí sẽ được làm ấm khi đi vào phế quản. Việc hít thở bằng đường miệng sẽ tác động trực tiếp tới phế quản và mang tới nguy cơ mắc bệnh không đáng có.