Về bản làng gặp nữ sinh có tổng điểm khối C đạt 30,25
Cộng cả điểm ưu tiên vùng và dân tộc thiểu số, em Phạm Trần Thu Sương, ở bản Tờ, xã Yên Khê, huyện vùng cao Con Cuông, Nghệ An đạt tổng điểm khối C 30,25 trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Điều bất ngờ, chị gái em cũng từng nhận được Bằng khen vì có điểm thi cao chót vót.
Chị gái cũng từng đạt điểm khối C cao chót vót
Đường vào bản Tờ giữa cái nắng ngày hè gắt gao, chói mắt người nhìn. Khi chúng tôi đến nhà, em Phạm Thị Thu Sương đang ngoài vườn cho gà lợn ăn. Đó là công việc hàng ngày của Sương, cũng như của bao đứa trẻ ở các làng quê. Nhà không có ruộng, ngoài việc nhà, có khi Sương theo bố lên rừng lấy củi.
Ngữ văn 9, Lịch sử 9,5 và Địa lý 9, cộng với điểm ưu tiên 2,75 vùng và dân tộc thiểu số, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Sương đạt tổng điểm khối C 30,25. Nằm trong top thí sinh cao điểm nhất Nghệ An.
Hiền lành, ít nói, Sương cho biết từ hôm đến giờ em vẫn lâng lâng... vì chính bản thân cũng bất ngờ với mức điểm đạt được. Em làm bài tốt, Sử - Địa chỉ sai sót 1 - 2 câu nhưng riêng môn Văn, Sương tự đánh giá đó không phải là thế mạnh của mình. Đề thi môn Văn cũng không nằm trong những bài em ôn kỹ.
Sương gãi đầu, bày tỏ ngạc nhiên điểm thi khối C của mình cao hơn cả chị gái ruột Phạm Trần Thu Hoài thi cách đây hai năm. Năm 2017, chị gái của Sương đạt tổng điểm khối C là 27 điểm, có thể nói đó mức điểm kỷ lục tại trường huyện vùng cao - Trường THPT Con Cuông. Hiện chị gái Sương đang học tại Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội.
Ở mảnh đất miền núi này, học sinh đỗ ĐH đã là kỳ tích, hai chị em trong một nhà đạt mức điểm ở top cao có thể nói là việc xưa nay chưa từng có.
Nhà có 3 chị em, năm nào đi học ai cũng đạt học sinh xuất sắc, chưa kể nhiều giải thưởng học sinh giỏi này nọ. Nhưng khác với các gia đình ở miền quê, trong nhà Sương không chăng giấy khen, chứng nhận.
Mỗi lần nhận thưởng, cầm giấy khen về, Sương nói với bố: "Bố đem cất đi, đó là kết quả để mình tự biết với bản thân mình".
Không học ngày cày đêm nhưng đã vào bàn là tập trung
Cô Vi Thị Thiềm, mẹ của Sương chia sẻ, cô là giáo viên tiểu học nên ngày con nhỏ cũng định hướng, chỉ dẫn được cho các con. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó, cái chính là chị em Sương có ý thức tự giác học tập từ sớm.
Tuy nhiên, cô Thiềm nói thật tình, Sương không chăm học như chị gái. Trước cô chị cày ngày cày đêm thì Sương học nhàn hơn nhiều, ít khi phải thức đêm thức hôm.
Sương chia sẻ, thời gian em học không nhiều, có khi tối chỉ một tiếng đồng hồ. Nhưng đã ngồi vào bàn là em rất tập trung vào bài, quên hết mọi thứ xung quanh. Còn khi thấy mình đã mất tập trung em sẽ rời bàn học.
Mọi việc trong nhà như chăm lợn gà, nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp... là một phần trong cuộc sống hàng ngày lâu nay của Sương. Kể cả lúc ôn thi, chưa bao giờ Sương vì bận học đến nỗi không có thời gian làm những công việc đó.
Ngoài cách học thông thường như nắm bài trên lớp, học nhóm, học thêm ở thầy cô, đọc Thương đọc rất nhiều tài liệu tham khảo. Riêng môn Văn, Sương có tìm tòi học thêm ở trên mạng.
Sương cho hay, việc học ngoài trách nhiệm bản thân thì còn là sự yêu thích. Với Sương, học là một niềm vui nên em không gượng ép mình.
Những năm đi học, Sương không sử dụng điện thoại di động, em vẫn dùng "ké" của bố mẹ khi em thấy chưa quá cần thiết. Mọi thông tin trường lớp, thầy cô, bạn bè trước đều nhờ máy "truyền tin" qua bố mẹ.
"Sương dại người, quần áo mẹ mua sao thì mặc vậy, không đua đòi này nọ theo ai hết. Rồi đây đi học, ra đời... mẹ cũng lo", mẹ Sương cười hiền lành bộc bạch.
Với mong muốn trở thành giáo viên, Sương đang cân nhắc giữa nguyện vọng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Vinh.
Sương học gần nhà sẽ phù hợp hơn với điều kiện kinh tế gia đình nhưng em cũng muốn đi học xa, ra Thủ đô như một bước để khám phá năng lực bản thân. Sương thừa nhận "chủ yếu trước giờ em chỉ học thôi".
Cánh cửa phía trước rộng lớn và đầy thử thách đang chờ cô nữ sinh bản làng.
Theo Hoài Nam
Dân Trí