Về chiếc tàu đắm ở bờ biển Cẩm An (Hội An, Quảng Nam): Cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ con tàu
Ngày 12/5, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thông tin thêm những phát hiện mới về tàu cổ ở bờ biển Cẩm An, TP Hội An.

Khu vực phát lộ tàu đắm ở bãi biển phường Cẩm An. Ảnh: Tấn Thành.
Tính ra đến nay, chưa có tàu nào được phát hiện mà cấu trúc bảo tồn được khá nguyên vẹn như tàu Cẩm An. Đây cũng là con tàu mà nếu được khai quật sẽ có nhiều thuận lợi bởi nó nằm ngay sát mép nước ven bờ biển.
Theo đó, từ các kết quả khảo sát và phân tích mẫu cho thấy, con tàu được phát hiện ở Cẩm An cách mép nước khá xa khoảng 700 đến 800m. Kết quả phân tích bước đầu cho thấy, thời điểm con tàu bị đắm hay bỏ hoang khi ấy là nằm trong khu vực biển, không phải sông ngòi. Những điều này không chỉ xác nhận tính chất cổ xưa của tàu được phát hiện ở Cẩm An mà có thể ước đoán niên đại tàu con tàu có sớm hơn năm 1905 chí ít cũng vài thế kỷ.
Ông Phạm Phú Ngọc cho biết, kết quả khảo sát bước đầu thì đây là kiểu thuyền tích hợp 2 kỹ thuật đóng tàu tiến bộ của Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong đó, con tàu này thể hiện một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Đông Nam Á.
“Con tàu xuất lộ ban đầu với mạn trái có 25 giang và chiều dài còn lại khoảng 16,15m, rộng thân 4,7m. Tàu có lô mũi rộng khoảng 35cm, giang rất to và bố trí dày 2 bên mạn, ván be dày khoảng 7cm... các liên kết chặt chẽ giữa ván be với giang, sa quạ và vách ngang cho thấy con tàu có kết cấu rất chắc chắn” - ông Ngọc nói.
Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, tuy chưa xác định niên đại tuyệt đối, song với vị trí phát hiện con tàu cùng sự tương đồng sâu sắc về các đặc điểm cấu trúc, kỹ thuật thi công và vật liệu xây dựng, khả năng tàu có niên đại khoảng giữa cuối thế kỷ XIV đến XVI, thiết kế theo truyền thống Biển Đông, có cấu trúc lớn, bền vững và hiện trạng còn khá nguyên vẹn.
Một số thợ đóng thuyền tại làng mộc Kim Bồng cho biết, gỗ dùng để chế tạo thuyền truyền thống gồm 2 loại gỗ chính là gỗ lim dùng làm lô mũi, lô lái, long cốt, đà, giang của thuyền; gỗ kiền kiền dùng làm ván be của thuyền và các bộ phận khác của thuyền. Hai loại gỗ này không chỉ chịu được nước mặn, chống va đập tốt mà còn không bị hà bám và ăn vào thân con tàu làm suy yếu cấu trúc của con tàu gỗ.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu vực phát hiện tàu gỗ nằm ở ven bờ biển, trên địa bàn khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An, trong khu vực công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực biển An Bàng.
Hiện nay, con tàu nằm ở độ sâu khoảng 1 đến 1,2m so với bề mặt xuất lộ. Địa phương đã bố trí lực lượng phối hợp với Đồn biên phòng Cửa Đại thực hiện các biện pháp bảo vệ để vừa ngăn chặn các hoạt động trục vớt trái phép, vừa ngăn chặn các tác động, làm ảnh hưởng đến xác tàu trong quá trình thi công tuyến đê ngầm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chưa thể khẳng định chắc chắn đây là tàu cổ mà mới chỉ là giả thuyết và chờ báo cáo, kết quả chính thức. Sở đã giao nhiệm vụ khai quật con tàu này cho TP Hội An, tuy nhiên đến nay vì một số lý do nên cơ quan chức năng đang thận trọng, khi nào có đủ điều kiện thì mới tiến hành khai quật”.
Còn theo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước mắt cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ con tàu; đồng thời cần lập kế hoạch, giải pháp chi tiết cho công tác khai quật và bảo tồn con tàu cùng các hiện vật thu thập được nhằm đảm bảo tính gốc và nguyên vẹn của con tàu cùng các hiện vật được thu thập.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Báo Đại Đoàn Kết đưa tin “Quảng Nam: Phát hiện xác tàu nghi tàu cổ nổi lên sát bờ biển Hội An” về việc người dân địa phương bất ngờ phát hiện phần khung con tàu gỗ giống như tàu cổ nổi dần lên dưới lớp cát thuộc bờ biển phường Cẩm An, TP Hội An. Vị trí phát hiện tàu nằm sát bờ biển Tân Thành, phường Cẩm An, chiếc tàu ước lượng dài khoảng 15m, rộng khoảng 3m.