Về đất Dạ cổ hoài lang
Tôi về Bạc Liêu vào một ngày đầu mùa mưa. Những con đường thênh thang, xinh đẹp, xanh màu cây cỏ. Trước mắt tôi là một thành phố non trẻ, tràn đầy sức sống. Và nghe tâm hồn mình xôn xao bao kỷ niệm của một thời đã sống và gắn bó với mảnh đất nức tiếng khắp lục tỉnh Nam kỳ này.
Một mình rong ruổi trên đại lộ Trần Phú, tôi đi qua con phố có hàng me xanh ngát năm nào, qua những ngôi trường. Bỗng dưng nhớ những trưa tan học cùng em về chung lối. Con đường hàng me mướt xanh đó in dấu những hoài niệm tuổi mười tám mộng đẹp của chúng tôi. Tôi đã “bối rối khi cầm tay em” và em thẹn thùng mắc cỡ chẳng nói một lời. Ơi, mười tám dễ thương, mười tám vụng dại đã xa lắm rồi. Không biết bây giờ em có còn nhớ, còn lưu giữ trong mênh mông nỗi nhớ? Với tôi, ký ức vẫn còn tươi xanh kỷ niệm thuở học trò…
Phố Bạc hôm nay đã là dáng vẻ của một thành phố trẻ. Tất cả phát triển nhanh đến không ngờ. Những dãy phố hiện đại như làm dáng cho những dãy nhà cổ đẹp hơn. Chợ đêm Bạc Liêu làm náo nhiệt thêm cho cuộc sống vốn yên ả, trầm lặng của người dân quê tôi. Những người trẻ quê tôi đang háo hức chuẩn bị hành trang cho một thành phố sầm uất, năng động nhất nhì miệt sông nước nay mai…
Với tôi thì nơi đây là mảnh đất đi là nhớ, ở là thương, là mảnh đất chứa đựng tình yêu da diết, mảnh đất quê hương có trong máu thịt mỗi người. Tôi yêu quê mình vô cùng nên nghe ai nhắc đến phố Bạc là tôi bồi hồi, nôn nao. Tôi và bạn bè thường gọi tên thành phố bé nhỏ của mình như thế. Cái tên phố Bạc với tôi, với bạn bè thật rất đỗi thân thương. Lần nào cũng vậy, nghe ai hỏi quê mình, tôi hãnh diện trả lời ở tận miệt Bạc Liêu. Và thật bất ngờ, ai cũng nói mình là công tử Bạc Liêu. Vui biết chừng nào, hãnh diện biết chừng nào khi mình được mang danh ké “Hắc công tử”. Nói thì nói vậy thôi chứ những chàng trai chúng tôi thời nay đâu dám danh xưng. Giai thoại công tử Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ mà nó còn vang xa hơn.
Đêm khuya, ngồi ở “Bạc Liêu là xứ quê mùa. Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu” nghe ngân nga bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, tâm hồn xao động, bâng khuâng. Tôi đã nghe rất nhiều lần bài Dạ cổ, nhưng nay sao tâm hồn lâng lâng kỳ lạ và lòng say sưa cuốn theo điệu nhạc, lời ca. Tôi bỗng nhớ cái giọng ngọt lịm của cô bạn hàng xóm năm nào làm tôi mê mẩn, ngất ngây. Ngày đó, tôi không hiểu vì mê giọng hát của em hay mê cái dáng thướt tha, duyên dáng có nhiều duyên thầm mà mình thầm yêu, trộm nhớ? Anh bạn Biên Hòa lần đầu đến nghe con gái Bạc Liêu ca Dạ cổ hoài lang đã thốt lên và chân đi không đành. Vâng, còn gì thi vị, lãng mạn bằng ở trên đất Dạ cổ nghe ca Dạ cổ hoài lang. Anh đã bị những cô thôn nữ hiền dịu, dễ thương miệt đất Nam bộ níu tâm hồn, làm ngẩn ngơ, say sưa đến mềm lòng...
Bạn bè và tôi đến ngôi biệt thự Công tử. Ngày nay, ngôi biệt thự là khách sạn Công tử Bạc Liêu. Ngồi uống cà phê, anh bạn quê xa cứ đòi chúng tôi kể về công tử. Anh đã được đọc rất nhiều những giai thoại về ông, nhưng nghe người nơi đây kể về công tử thì chưa mà kể ngay nơi ngôi nhà ngày xưa ông ở thì có lẽ cả đời may mắn lắm mới có một lần. Anh bạn dạy văn của tôi đã làm cho những người bạn Biên Hòa mê say lắng nghe.
Bạn cứ tiếc là không đến vào mùa nhãn. Anh biết đến nhãn Bạc Liêu lâu lắm rồi, nhưng thưởng thức hương vị ngọt ngào có tiếng cả vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long thì chưa. Thôi thì đành hẹn một lần khác ghé qua vùng đất muối trắng, hương nhãn nồng nàn vậy.
Tôi và bạn bè tạm biệt đất Dạ cổ hoài lang về Biên Hòa vào một sớm mai nắng rất nhẹ. Hun hút sau lưng tôi là một thành phố trẻ với bao đổi thay từng ngày, từng giờ. Phố Bạc ơi, hẹn ngày không xa tôi lại trở về…