Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ làm rạng ngời trang sách giáo khoa ngữ văn phổ thông

Từ trước đến nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một trong những hình tượng trung tâm trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn.

Hình tượng ấy vừa được khắc họa chân thực, vừa đẹp đẽ, cao cả; thể hiện ở những gian khổ, hy sinh mà các anh phải vượt qua. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đối diện với khó khăn như thế nào, những người lính ấy vẫn ngời lên niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vẫn trọn vẹn một tình yêu Tổ quốc, quê hương.

Một hình tượng trung tâm trong sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông

Chương trình giáo dục phổ thông của nước ta là chương trình được thiết kế nhằm hướng tới giáo dục các phẩm chất và năng lực cho người học, giúp người học có thể trở thành những công dân tốt trong tương lai. Sách giáo khoa phổ thông là sự hiện thực hóa chương trình, qua đó mà hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, việc đưa những văn bản có khả năng giáo dục học sinh trở thành một việc làm tất yếu.

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong bộ sách giáo khoa chỉnh lý, hợp nhất năm 2006, có gần 20 văn bản viết (truyện, thơ...) về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ; trong các bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (3 bộ sách gồm Cánh diều, Kết nối tri thức với đời sống, Chân trời sáng tạo) có gần 30 văn bản viết về hình tượng này.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách Tiếng Việt 4, trong sách có hình vẽ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: THƯỜNG LỢI

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách Tiếng Việt 4, trong sách có hình vẽ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: THƯỜNG LỢI

Xét theo cấp học, số lượng các văn bản viết về người lính Cụ Hồ ở khối tiểu học ít hơn ở khối trung học. Xét theo tiến trình lịch sử, một số ngữ liệu là lựa chọn của cả sách giáo khoa cũ và mới vì tính chất tiêu biểu, không thể thay thế khi nói về Bộ đội Cụ Hồ như: "Từ ấy", "Việt Bắc", "Nhớ đồng" (Tố Hữu); "Đồng chí" (Chính Hữu); "Tây Tiến" (Quang Dũng); "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật)... Bên cạnh đó, một số ngữ liệu mới được đưa vào sách đã mang tới những góc nhìn mới về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ như: "Chú hải quân", "Cô gái mũ nồi xanh" (Hoài Khánh); "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm); "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh)...

Có thể nói các văn bản trong sách giáo khoa đã thể hiện khá đầy đủ, rõ nét về người lính Cụ Hồ, từ chiến sĩ cho tới người chỉ huy ở cương vị cao nhất (Quyết định khó khăn nhất, trích trong "Điện Biên Phủ-điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Họ có thể là người lính biên phòng ("Ngựa biên phòng"-Phan Thị Thanh Nhàn), lính hải quân ("Chú hải quân"-Hoài Khánh), lính lái xe ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính"-Phạm Tiến Duật), là những nữ bác sĩ chữa bệnh cho thương binh ở các bệnh xá ngoài chiến trường ("Nhật ký Đặng Thùy Trâm"), là nữ chiến sĩ tình nguyện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Trung Phi ("Cô gái mũ nồi xanh"-Hoài Khánh). Những con người ấy đã góp phần tạo nên diện mạo về người lính Cụ Hồ trong thời binh lửa và trong xã hội hôm nay.

Khắc họa vẻ đẹp đa chiều về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Nhìn sâu vào hệ thống các văn bản, có thể thấy nhiều điểm tương đồng thú vị. Trước hết, có thể thấy, trong sách giáo khoa trước đây và hiện nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa chân thực. Sự chân thực được thể hiện ở những gian khổ, hy sinh mà các anh phải vượt qua. Đó có thể là những thiếu thốn về vật chất: Áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá-"Đồng chí", là bệnh tật bủa vây (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm-"Tây Tiến") nhưng hơn hết là những gian nguy vì mưa bom bão đạn của kẻ thù. Nhiều người từ chiến trường trở về đã không còn lành lặn (sư thầy Đàm Thân trong "Vào chùa gặp lại" của Minh Chuyên). Có những người lính đã nằm lại nơi rừng xanh và trở thành bất tử ("Tây Tiến"-Quang Dũng, "Đồng dao mùa xuân"-Nguyễn Khoa Điềm, "Nỗi buồn chiến tranh"-Bảo Ninh). Tuy nhiên, vượt lên tất cả, ta thấy ánh lên ở họ là vẻ đẹp của những phẩm chất cao quý: Lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương, sự lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng...

Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, dù gian khó, dù có thể đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng những người lính chưa bao giờ chùn bước. Đến với "Đồng chí" của Chính Hữu, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người lính với tư thế chủ động, luôn sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù: Đêm nay, rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới.

Những người lính ra trận, chiến đấu kiên cường bởi họ tha thiết mong ước hòa bình cho mình và những người thân yêu. Trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", nữ bác sĩ trẻ thốt lên với đồng đội của mình: “Ước mong của em chỉ là hòa bình trở lại để em được về với má em. Có thế thôi”.

Câu nói ấy của Đặng Thùy Trâm đã phần nào thể hiện một diện mạo khác của những người lính Cụ Hồ: Những người giàu tình yêu thương, những người coi trọng tình nghĩa. Hàng loạt tác phẩm như: "Bộ đội về làng" (Hoàng Trung Thông), "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Việt Bắc", "Đồng dao mùa xuân", "Gặp lá cơm nếp" (Thanh Thảo), "Ngày cuối cùng của chiến tranh" (Vũ Cao Phan), "Người mẹ vườn cau" (Nguyễn Ngọc Tư)... đều thể hiện điều này. Từ những hoàn cảnh khác nhau, những con người ấy đi vào cuộc chiến. Họ mang theo trong mình tình yêu thương gia đình, người thân. Việt và Chiến trong "Những đứa con trong gia đình" (Nguyễn Thi) đều là những con người như vậy. Lòng dũng cảm mà chúng tôi nói ở trên thực chất bắt nguồn từ tình yêu thương sâu nặng của người lính với những người thân yêu của mình.

Trong chiến tranh, tình yêu thương đó là cội nguồn cho sức mạnh bên trong của họ, giúp những người lính vượt qua nghịch cảnh ("Đồng chí"). Tình cảm đó giúp những con người ở nơi xa lạ có được cảm giác ấm áp như một gia đình: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính")

Tình đồng chí, đồng đội đã khiến cho con người dũng cảm, kiên cường, thậm chí chấp nhận mất mát, hy sinh. Trong "Ánh sáng cứu rỗi" (trích "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh), Hòa-cô giao liên trẻ đã hy sinh thân mình, đánh lạc hướng kẻ thù để cứu đồng đội. Điều ấy trong chiến tranh dường như đã thành lẽ thường. Cũng với tình cảm chân thành, tự nhiên, những người lính đã xây dựng được tình quân dân bền chặt. Hàng loạt tác phẩm như: "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Bộ đội về làng", "Người mẹ vườn cau"... đã khắc họa rất rõ điều này. Trong "Bộ đội về làng", nhà thơ Hoàng Trung Thông viết: Các anh về/ Xôn xao làng bé nhỏ/ Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.

Cảnh tượng đơn sơ dường như càng làm nổi bật hơn tình quân dân thắm thiết. Tình cảm ấy được vun đắp qua thời gian, giờ đây trở thành những tình cảm thiêng liêng trong trái tim những người ở tiền tuyến và hậu phương. Nhìn trong tổng thể các văn bản viết về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, ta thấy có một điều đặc biệt: Thông thường, viết về người lính, lẽ ra phương diện chiến đấu, hy sinh phải là khía cạnh chính được khắc họa, song thực tế, câu chuyện về những con người yêu thương, tình nghĩa mới là điểm gặp gỡ nhiều nhất giữa các văn bản. Người lính trong chiến tranh yêu thương, tình nghĩa. Người lính trong hòa bình lại càng tình nghĩa hơn. Đó là điều làm cho hình tượng người lính Cụ Hồ vốn đã đáng quý, nay càng đáng quý hơn. Ở "Ngày cuối cùng của chiến tranh", tình yêu thương đã vượt lên trên những định kiến về chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Những người lính đã hành động một cách thật nhân văn để mang đến một câu chuyện ấm áp tình người.

Cùng với sự kiên cường, dũng cảm, cùng với sự yêu thương, tình nghĩa, có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, những người lính cũng một lòng hướng về Tổ quốc, về Đảng, về Bác Hồ kính yêu. Ngay từ khi giác ngộ lý tưởng, những người chiến sĩ vượt qua khó khăn trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ: Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính"). Lý tưởng cách mạng khiến cho những trí thức như bác sĩ Đặng Thùy Trâm có những suy nghĩ dứt khoát, đầy trách nhiệm: “Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là độc lập, tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có những gì gọi là của riêng mình”.

Góp phần lan tỏa giá trị Bộ đội Cụ Hồ

Có thể nói, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một trong những hình tượng trung tâm ở chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn trước đây và hiện nay. Hình tượng ấy vừa được khắc họa chân thực, vừa đẹp đẽ, cao cả. Sự chân thực được thể hiện ở những gian nan mà các anh phải vượt qua. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đối diện với khó khăn như thế nào, những người lính ấy vẫn ngời lên niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vẫn trọn vẹn một tình yêu Tổ quốc, quê hương. Ở những con người giản dị ấy, tình yêu thương, sự đoàn kết, sự kiên tâm, dũng cảm và niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng là điều không bao giờ thay đổi. Việc tiếp cận, tìm hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến, hy sinh của cha anh hẳn sẽ khiến học sinh-những người trẻ hiện nay thêm hiểu về lịch sử dân tộc, từ đó mà đề cao trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc, quê hương, đất nước.

Để hình tượng Bộ đội Cụ Hồ lúc nào cũng sáng trong, đẹp lung linh, lôi cuốn bao thế hệ giáo viên, học sinh và người dân thì cần sự nỗ lực của những người trong cuộc. Trên lớp, các thầy, cô giáo cần có những cách tổ chức lớp học linh hoạt, kết hợp kênh chữ và kênh hình... để hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở nên sinh động. Bên cạnh đó, việc khuyến khích học sinh đọc thêm, xem thêm, tìm hiểu thêm về người lính Cụ Hồ trong các văn bản văn học khác cũng như phim, tranh ảnh... cũng đóng một vai trò quan trọng. Một số trường có thể mời những nhân chứng sống (là những người lính đã tham gia vào những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc) để cùng trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh... Điều đó chắc chắn sẽ khiến hiểu biết của các em về Bộ đội Cụ Hồ trở nên sâu sắc hơn. Từ đó, mục tiêu giáo dục cũng sẽ dần đạt được. Khi chúng ta đã có các thế hệ học sinh nối tiếp nhau hiểu lịch sử đất nước, hiểu trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, sống yêu thương, tình nghĩa và đoàn kết thì giấc mơ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước sẽ trở thành hiện thực.

Tiến sĩ MAI THỊ HỒNG TUYẾT, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/ve-dep-bo-doi-cu-ho-lam-rang-ngoi-trang-sach-giao-khoa-ngu-van-pho-thong-792462