Vẻ đẹp của Ba Khan

Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Ba Khan là cái tên còn khá xa lạ trên bản đồ du lịch. Nhưng những gì ít ỏi tìm được cho thấy đây quả là vùng đất hấp dẫn với cảnh quan đa dạng.

Sau hơn ba giờ rong ruổi từ Hà Nội, tôi rời Quốc lộ 6 ở chân đèo Thung Khe (còn gọi là đèo Đá Trắng) để rẽ vào con đường nhỏ dẫn tới Ba Khan.

Cung đường Hà Nội - Mai Châu vốn đã quá quen thuộc với du khách, nhưng ít người biết rằng ngay dưới chân con đèo thường bị sương mù che phủ này có một vùng bình nguyên hoang sơ đến vậy.

Xã Ba Khan gồm ba thôn mang tên Khan Hạ, Khan Hò và Khan Thượng thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nằm trên một lòng chảo lớn giữa lưng chừng núi nhìn xuống hồ thủy điện sông Đà mênh mông như biển.

Bắt đầu từ ngã ba Phú Cường, con đường quanh co uốn lượn theo triền núi, chạy qua ba xã Phú Cường, Ba Khan, Tân Mai xuôi về lòng hồ sông Đà, với bề ngang chỉ khoảng 2-3 m, dài hơn 10 km, khá dễ đi.

Ngay đầu lối rẽ, khung cảnh những ngôi làng người Thái và Mường vùng Hòa Bình đã mở ra trước mắt. Những nếp nhà sàn chạy dọc hai bên con đường cây xanh đang mùa đâm chồi nảy lộc.

Chỉ khoảng vài cây số kế tiếp, cảnh quan đột ngột thay đổi khiến du khách ngỡ như mình đang ở vùng nào đó trên cao nguyên đá Hà Giang.

 Sáng sớm, Ba Khan huyền ảo trong màn sương. Ảnh: Bụi Đường.

Sáng sớm, Ba Khan huyền ảo trong màn sương. Ảnh: Bụi Đường.

Tôi đi bộ trên con đường độc đạo xuyên qua làng. Những phiến đá tai mèo đen xù xì đủ mọi hình dạng nằm rải rác trên những ruộng bắp mới trồng. Trên những vùng đất bằng phẳng, vài bà mế người Mường đang cấy lúa. Những con trâu, con bò tròn lẳn thong dong gặm cỏ trên cánh đồng đá.

Bên khung cửa sổ của những ngôi nhà sàn dưới bóng cây xoài, cây xoan hay đào rừng, là những bà mẹ ngồi ẵm con hay những em bé vẫy tay chào khách qua đường. Vài cậu bé chơi trò đánh quay trên con đường đất mềm mại nương mình theo những ruộng lúa.

Xa xa là đèo Đá Trắng khi ẩn khi hiện trong sương mù và mây. Hầu như không có xe cộ gì, ngoại trừ mấy em học sinh đang gò mình đẩy xe đạp lên dốc. Người dân ở đây tỏ ra khá tò mò và lạ lẫm khi thấy khách lạ đi ngang, nhưng cũng vô cùng thân thiện khi thấy tôi chụp hình.

Ở Ba Khan, góc nào cũng đẹp như tranh. Bỗng thấy lòng dịu lại, người thư thái. Bao nhọc nhằn sau những giờ chạy xe dường như đã tan biến trong lớp sương mù kia. Cuộc sống phố thị đã lùi lại phía sau, xa lắc.

Vào mùa xuân, không khí ở Ba Khan thơm đến kỳ lạ. Tôi không thể lý giải được mùi thơm đặc biệt ấy tới từ đâu. Chỉ có thể phỏng đoán là từ những bụi hoa dại trắng li ti đang vươn lên từ những kẽ đá tai mèo nhọn hoắt, từ những cây xoài đang trổ bông vàng chi chít bên những bờ rào tre. Có khi là từ những cây xoan tán lớn có chùm hoa trắng tít trên cao.

Vùng này có nhiều xoan, loài cây lấy gỗ nay đã thành của hiếm tại những làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tháng tư là mùa những bông xoan li ti bung nở thành những chùm lớn màu trắng mang sắc xanh hơi ánh tím trên những cành cây khẳng khiu gần như rụng hết lá.

Đúng hơn, mùi hương ấy là tập hợp của một sự thanh tao nhuốm mùi hoang dại của hoa, non tơ của mạ, mùi ẩm ướt của ao, hồ, mây trời và sương núi trên cao. Một trải nghiệm rất khác về sương mù và làng bản vùng cao Tây Bắc.

Có lẽ hiếm có cung đường nào mà cảnh trí lại thay đổi liên tục và đa sắc thái đến vậy. Bên trái là núi, bên phải là tầm nhìn tuyệt đẹp xuống lòng hồ, nơi có những đảo đá vôi lớn nhỏ nhấp nhô trong sương, không khác gì Vịnh Hạ Long giữa núi rừng.

Một khúc của sông Đà bị ngăn lại làm nơi chứa nước cho đập thủy điện đã khiến nước dâng lên thành hồ và những ngọn núi đá giữa lòng sông bỗng biến thành đảo. Núi cao chạy dài theo hai bên hồ, khiến cảnh quan ở đây vô cùng lạ mắt.

Hồ sông Đà có chiều dài khoảng 230 km, chạy dài từ Hòa Bình tới Sơn La. Vùng lòng hồ sông Đà ở đoạn chảy qua Ba Khan giống như một xứ sở thần tiên. Mây trôi bồng bềnh phía xa, sương mù bảng lảng như muốn níu bước chân. Có so sánh với chốn bồng lai tiên cảnh hay thiên đường nơi hạ giới cũng không ngoa chút nào.

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ve-dep-cua-ba-khan-post1129551.html