Vẻ đẹp của những thành phố bị lãng quên

Những thành phố đã từng có quãng thời gian phát triển cực thịnh sau đó suy tàn, nhanh chóng rơi vào quên lãng. Cho dù vì bất cứ lý do gì thì những thành phố cổ này đều đã từng là những nơi rất phát triển và ghi dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử. Những dấu tích còn lại của chúng chứa đựng những vẻ đẹp cổ xưa đầy quyến rũ và mang đậm những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống lâu đời.

Thành Troy - Thổ Nhĩ Kỳ

Thành phố cổ Troy được cho là đã bị phát hủy và tái thiết nhiều lần. Mỗi lần, một thành phố mới lại được xây dựng trên những tàn tích của thành phố trước đó. Các di tích của thành cổ này nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thành lập lần đầu tiên khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, những tàn tích của thành Troy vẫn còn tương đối nguyên vẹn đến ngày hôm nay và khiến nơi đây trở thành một trong những thành cổ hoang vắng xinh đẹp nhất thế giới.

Thành cổ Pompeii - Ý

Trong hơn 1.500 năm, vị trí thành phố Pompeii của La Mã cổ đại không thể xác định được. Vào ngày 24/8 /79 sau CN, núi lửa Vesuvius phun trào, bao phủ toàn bộ thành phố Pompeii bằng tro và đất. Sau khi được các chuyên gia khai quật trong những năm qua, thành phố từng là nơi cư ngụ của hơn 20.000 cư dân và được bảo tồn nguyên vẹn từ đó tới nay. Tất cả đồ dùng từ các lọ, bàn cho đến các bức tranh và cư dân đều như bị đóng băng bởi thời gian. Mặc dù thành cổ này hiện nay đã bị bỏ hoang nhưng thiết kế phức tạp và cấu trúc vững chắc được bảo quản bằng lớp tro bụi khiến nơi đây trở nên hết sức đặc biệt để ngắm nhìn.

Thành phố Machu Picchu - Peru

Là một trong những thành phố bị lãng quên nổi tiếng nhất thế giới, Machu Picchu được tái phát hiện năm 1911 bởi nhà nghiên cứu lịch sử Hawaii, Hiram, sau khi bị bỏ quên tại thung lũng Urubamba hàng thế kỷ. Thành phố lãng quên của người Inca này có thể tự cung tự cấp với nhiều suối tự nhiên và đất đai nông nghiệp trù phú. Macha Picchu nằm tại Peru và không hề được biết đến trong lịch sử cho tới tận năm 1911.

Thành phố Vijayanagara - Ấn Độ

Vijayanagara là một trong những thành phố rộng lớn nhất thế giới với hơn 500.000 cư dân. Thành phố Ấn Độ này phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 16, khi đế chế Vijayanagar trong thời kỳ hùng mạnh nhất. Đến năm 1565, đế chế Vijayanagar bị thất bại trước sự xâm chiếm của quân Hồi giáo và thành phố bị tàn phá, dân chúng di tán, các đền Hindu bị phá hủy. Từ đó, không ai tới đây sinh sống nữa, ngay cả sau khi quân Hồi giáo rút đi.

Thành phố Sư Tử - Trung Quốc

Thành phố Sư Tử hay còn gọi là Sư Thành nằm dưới đáy hồ Quiangdao, miền Đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây là một thành cổ được xây dựng từ 1.200 năm trước dưới thời Đông Hán. Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng ở phía Đông Trung Quốc, tuy nhiên khi người ta xây dựng hồ thủy điện Quiandao vào năm 1959, cả thành phố đã bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Nằm sâu dưới đáy hồ nhưng Sư Thành vẫn giữ được vẻ nguy nga, tráng lệ và vô cùng thần bí.

Thành cổ Thebes - Ai Cập

Chỉ một vài nơi trên thế giới mới có thể so sánh với vẻ đẹp hùng vĩ của Thebes. Thành cổ Thebes nằm trong thành phố hiện đại Luxor. Nơi đây từng là thủ đô của Ai Cập, và cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới, là nơi cư ngụ của hơn 40.000 cư dân. Ngôi mộ của vua Tut và đền thờ Karnak chỉ là hai trong số những công trình kiến trúc đáng kinh ngạc của thành phố bị quên lãng này.

Thành cổ Palenque - Mexico

Thành cổ Palenque được cho là xây dựng vào khoảng năm 226 trước Công nguyên và vẫn còn người ở cho tới năm 799 sau công nguyên. Vào những năm cuối trước khi bị quên lãng, Palenque là nơi sinh sống của những cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và khi việc canh tác trở nên khó khăn, thành phố đã dẫn bị bỏ rơi. Mặc dù ngày nay không có cư dân sinh sống, thành cổ Palenque vẫn là một công trình kiến trúc đẹp, đầy tính lịch sử với những nghề thủ công độc đáo.

Thành phố Palmyra - Syria

Được gọi là cô dâu của sa mạc, Palmyra từng là thành phố trung tâm của Syria, đây là một đô thị giàu có và thịnh vượng, nằm dọc tuyến đường nối Persia với các cảng của Roma Syria, Địa Trung Hải. Thời gian đầu, thành phố được đặt dưới sự cai trị của đế chế La Mã, các công trình kiến trúc của thành phố đã chứng minh điều đó. Được xây dựng từ năm 212 và bị rơi vào tay quân Arab năm 634. Tuy không bị quân Hồi giáo phá hủy nhưng dưới sự cai trị của Ottoman, Palmyra suy yếu và mất đi vị thế quan trọng của nó. Vào thế kỷ thứ XVI, nơi đây đã hoàn toàn bị bỏ rơi để lại đến ngày nay một trong các di tích lâu đời nhất trên thế giới. Tới thế kỷ 17, Palmyra được phát hiện bởi khách du lịch phương Tây.

Thành cổ Petra - Jordan

Thành cổ Petra, có nghĩa là “đá” trong tiếng Hy Lạp, đã được tạp chí Smithsonian bình chọn là một trong “28 thành phố lớn nên ghé thăm trước khi chết”. Cho đến năm 1812, thế giới phương Tây vẫn không có bất cứ kiến thức gì về thành cổ Petra, nhưng ngày nay nơi đây đã được công nhận là Di sản thế giới.

Theo các nhà khảo cổ học, Petra có thể được xây dựng từ năm 312 trước Công nguyên và tồn tại cho đến thế kỷ thứ IV, trước khi rơi vào sự cai trị của đế quốc La Mã. Trước kia, nơi đây là một trung tâm buôn bán tơ lụa. Khi đế chế La Mã diệt vong, dân số của thành phố bắt đầu giảm cho đến khi trở nên hoang vắng và bị quên lãng.

Hồng Nhung (Tổng hợp)

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/ve-dep-cua-nhung-thanh-pho-bi-lang-quen.html