Vẻ đẹp Hàng Châu
Hàng Châu là thành phố văn hóa - lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc. Nơi đây non nước hữu tình, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Cũng chính vì thế, Hàng Châu được mệnh danh là “thiên đường nhân gian”.
Ấn tượng Tây Hồ
Mùa này, Hàng Châu đón du khách bằng sắc vàng óng của những hàng cây ven đường đang dần thay lá. Người Trung Quốc có câu: “Trên có thiên đàng, dưới có Tô - Hàng” (Tô Châu, Hàng Châu) để ca ngợi cảnh đẹp của hai vùng đất thơ mộng và lãng mạn này. Là thủ phủ tỉnh Chiết Giang, thành phố của vùng sông nước Giang Nam nổi tiếng thu hút du khách thập phương ở vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, có núi phía xa, những hàng cây ngô đồng cổ thụ chạy dọc theo các con đường, có Tây Hồ rộng lớn và vô số đền đài, cổ tháp, công trình kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa thời phong kiến.
Người ta nói vẻ đẹp Hàng Châu nằm ở nét quyến rũ của Tây Hồ, tương truyền do nàng Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc hóa thân thành. Nép mình trong những ngọn đồi xanh, Tây Hồ là một hồ nước ngọt được chia ra bởi ba con đê ngăn, trong đó có hai con đê dài lấy tên của hai nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Tô Đông Pha và Bạch Cư Dị (đê Bạch và đê Tô) để tưởng nhớ công lao của các ông. Hai con đê này giống như hai vành đai màu xanh nổi trên hồ.
Trong bài thơ tình ở Hàng Châu, nhà thơ Tế Hanh đã viết: “Anh đã đến những nơi lịch sử/ Đường Tô Đông Pha làm phú/ Đường Bạch Cư Dị đề thơ/ Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ”... Từ giữa đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị đã tới Hàng Châu làm Thứ sử. Ông đã cho đắp lại đê, xây đập ngăn nước ở Tây Hồ và đắp đường để người dân đi lại thuận tiện, bớt phụ thuộc vào thuyền. Hai bên bờ đê người ta trồng nhiều dương liễu, tạo nên một vẻ yên tĩnh, trầm mặc cho phong cảnh nơi đây.
Tản bộ dưới ánh vàng ruộm của hàng cây ngô đồng, du khách như được sống lại cùng người xưa, nghe tiếng đàn, lên lầu cao soi hồ cá vàng và thưởng ngoạn cảnh sắc kỳ vĩ...
Nhiều sản vật
Cách Hàng Châu khoảng 20 km về phía tây là thôn Long Tỉnh, nơi nổi tiếng với loại trà đặc biệt thơm, có vị ngọt thanh khiết. Đến đây, ngoài chiêm ngưỡng cảnh quan, tìm hiểu về kỹ thuật trồng trọt, du khách còn được hòa mình vào không gian trà đạo. Là nơi sinh ra một trong ba loại trà nổi tiếng của Trung Quốc, trà Long Tỉnh khiến những ai đã từng thưởng thức sẽ chẳng thể nào quên được hương vị của nó. Trà này được các đời vua chúa phong kiến rất ưa chuộng. Vua Khang Hy thậm chí còn phong loại trà trên là "hoàng trà", đại diện cho nhà vua.
Hàng Châu còn được mệnh danh là quê hương của tơ lụa. Những sản phẩm lụa Hàng Châu trứ danh từ ngàn đời nay với kỹ thuật dệt đạt đến độ hoàn mỹ, tinh xảo về hoa văn từng một thời chỉ ưu tiên dành cho vua chúa. Nhà thơ Bạch Cư Dị đã tán dương: “Cô thợ dệt khoe vân lụa đẹp/ Quán rượu cờ xanh nép hoa lê”. Lụa Hàng Châu từ xa xưa đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia lân cận. Những chiếc khăn tơ tằm dùng vào mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, lại mềm nhẹ bay bay... mua về làm quà cho người thân không gì bằng.
Ngồi trong hoàng hôn rực rỡ tại Tây Hồ bên hàng liễu rủ, ngắm hồ sen tàn lụi để lại một màu thâm thẫm và những rặng cây bắt đầu thay lá vàng, lá đỏ, du khách thực sự cảm nhận được vì sao dân gian Trung Quốc lại mơ ước: “Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu”. Hàng Châu thực sự là thành phố rất đáng sống và phù hợp để nghỉ dưỡng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/ve-dep-hang-chau-122264