Vẻ đẹp mê hoặc của đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam

Với khoảng 22.000 ha diện tích mặt nước, Tam Giang - Cầu Hai được mệnh danh là hệ sinh thái đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á, mang trong mình nét hoang sơ, vắng lặng, bình yên khiến bất kỳ ai đến đây cũng phải ngỡ ngàng.

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km trên địa bàn 4 huyện (Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền) và thị xã Hương Trà. Đây là vùng đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á với hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Cồn Tè (Hương Trà); Thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền) và hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà).

Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tam Giang - Cầu Hai được mệnh danh là 1 trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, chiếm tới 48,2% diện tích mặt nước đầm phá ven bờ biển Việt Nam. Đây chính là vùng điều hòa khí hậu giữa 2 vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho vùng đồng bằng.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Những chiếc ghe, ngư cụ thân quen của người dân ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Những chiếc ghe, ngư cụ thân quen của người dân ven đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Không những thế, phá Tam Giang - Cầu Hai còn có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; Là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển (tích tụ lắng đọng chất thải) để bảo vệ cho môi trường biển được trong sạch.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang - Cầu Hai.

Theo các nhà nghiên cứu, Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là 1 trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng; Chứa trong mình vùng đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn.

Ngày mới nhộn nhịp trên đầm phá.

Ngày mới nhộn nhịp trên đầm phá.

Chính vì thế, Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, xứng đáng là 1 bảo tàng nước, bảo tàng sinh học. Kết quả điều tra gần đây đã thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; Trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh (bao gồm 7 loài cỏ biển), 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai chính thức được thành lập.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai chính thức được thành lập.

Khu rừng ngập mặn Rú Chá nằm ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà được xem là khu sinh quyển quan trọng của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Khu vực này chủ yếu là cây Chá cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Có thể nói, phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch trên vùng đầm phá đã tạo ra sinh kế và thu nhập cho nhiều người dân ven đầm phá, mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh theo hướng tích cực.

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202110/ve-dep-me-hoac-cua-dam-pha-nuoc-lo-lon-nhat-dong-nam-a-tai-viet-nam-783439/