Vẻ đẹp vật lý hiện đại dưới góc nhìn của GS Phạm Xuân Yêm
Cuốn sách của GS Phạm Xuân Yêm tập hợp các bài viết về cơ học lượng tử và thuyết tương đối cũng như những ứng dụng của nó trong vật lý hạt cơ bản mà ông là một chuyên gia có tên tuổi trên thế giới.
Thế kỷ XX được gọi là thế kỷ của khoa học, được xây dựng trên nền tảng của hai lý thuyết mới có tính đột phá là Thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử, có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự hiểu biết vũ trụ cấp vô cùng lớn và vô cùng nhỏ, cũng như sự ứng dụng vào đời sống con người.
Phạm Xuân Yêm là một trong những người Việt Nam đam mê khoa học và vẻ đẹp của nó, như đúng phong cách văn hóa phương Tây, sớm đi vào trung tâm của nền vật lý hiện đại đang phát triển mạnh mẽ ở phương Tây, và là nhà nghiên cứu rất thành đạt.
Với bản tính khiêm tốn, ông diễn tả sự thành đạt của mình qua câu nói tinh tế: “Có lẽ đối với bất kỳ nhà nghiên cứu bình thường nào, phần thưởng lớn nhất nhận được là khi công trình của mình được đồng nghiệp khắp nơi quan tâm, được trích dẫn nhiều lần, thậm chí vài chục năm sau còn được nhắc đến và khai thác. Cá nhân tôi cũng vài lần được hạnh phúc như vậy”.
Với con mắt nghệ sĩ, một trái tim nhân văn và tinh thần khoa học, ông đã vẽ nên những bức tranh khoa học hiện đại sáng sủa, với những tiêu đề rất đặc trưng như Cái Không của lượng tử, Thuyết tương đối, Bản giao hưởng huyền diệu giữa Lượng tử và Tương đối... Và khi cần, ông không ngại kèm theo các biểu thức toán học để diễn tả độ chính xác của ý tưởng.
Với ý thức rằng “tri thức là sức mạnh”, GS Phạm Xuân Yêm muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ trong thời đại xã hội Việt Nam đang thiếu tình yêu và đam mê khoa học.
Theo dịch giả Nguyễn Xuân Xanh: “Tiếng nói của GS Yêm luôn luôn có trọng lượng và được lắng nghe, trong khoa học cũng như trong cuộc sống cá nhân hằng ngày.
Ông không chỉ là một nhà khoa học lớn, mà còn là một nhân cách lớn, một tấm gương dấn thân trong khoa học, một trí thức công chúng có trách nhiệm với cộng đồng rất đáng ngưỡng mộ”.
Cuốn sách Cơ học lượng tử & thuyết tương đối (hai trụ cột của vật lý hiện đại) là thông điệp tinh thần ông muốn gửi đến các thế hệ mai sau về những khám phá khoa học trụ cột đã và còn định hình thế hệ chúng ta đang sống.
Ông muốn gửi gắm tình cảm đối với đất nước, về những giá trị nhân văn, về sự xây dựng nền khoa học quốc gia, sự tất yếu các giá trị phổ quát của cả thế giới như nền tảng của sự phát triển nói chung mà Việt Nam phải chấp nhận để đồng hành trên con đường thế giới đã và đang đi.
Để xây dựng một xã hội phát triển và văn minh, chúng ta không thể lảng tránh những vấn đề nuôi dưỡng và đầu tư cho khoa học, đại học, nghiên cứu ở tầm quốc gia, cho những người làm khoa học thực thụ, con người cần phải có những đức tính chân thật như nhìn nhận sự thật khoa học, tôn trọng ý kiến người khác, có đam mê và tận tụy.
Chúng ta đang sống trong thế giới cạnh tranh gay gắt mà sự phát triển của mỗi quốc gia phụ thuộc vào trình độ khoa học, công nghệ và giáo dục đại học.
GS Phạm Xuân Yêm tốt nghiệp Trung học Chu Văn An Hà Nội 1954, Đại học Sài Gòn (1955-1956), học bổng của chính phủ Pháp sang Paris du học năm 1956.
Ông là Tiến sĩ quốc gia Đại học Paris. Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (ngành Vật lý lý thuyết), tòng sự ở Đại học Pierre & Marie Curie, Paris. Biệt phái sang Đại học Stanford (Mỹ, 1974-1975) và CERN (Centre Europeén de Recherche Nucleáire, Thụy Sỹ, 1982-1983).
Ông là đồng tác giả với giáo sư Hồ Kim Quang (Đại học Laval, Canada) cuốn sách giáo trình về vật lý hạt cơ bản: Elementary Particles and their Interactions, Concepts and Phenomena. Springer, Berlin, New York (1998) được dùng trong nhiều đại học Mỹ, châu Âu và Australia.