Vẻ đẹp vùng cao Xím Vàng, Sơn La

Nhắc đến huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, du khách không thể quên những biển mây trùng điệp Tà Xùa, nơi được ví von là thiên đường mây Tây Bắc; thế nhưng nơi đây vẫn còn một địa danh với những cảnh sắc rực rỡ, nên thơ không kém với cái tên đầy thi vị: Xím Vàng.

Xím Vàng, một ngày thu tháng 9... Từ thị trấn Bắc Yên, trên chiếc xe máy còn vương bùn đất, chúng tôi men theo những con đường quanh co, đèo dốc, hòa mình vào với nắng gió nơi đất trời vùng cao Tây Bắc; qua Tà Xùa 15km, từ độ cao hơn 1.000m, những bản làng người Mông hiện dần ra trong nắng sớm, nếu tinh mắt bạn có thể thấy từng vạt sóng lúa vàng óng lẩn khuất sau biển mây.

Vùng cao Xím Vàng mỗi độ thu về

Vùng cao Xím Vàng mỗi độ thu về

Xím Vàng có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ mùa hè trung bình từ 15 - 23 độ C. Do địa hình khá hiểm trở với những cung đường quanh co, những ngọn núi cao và hùng vĩ, những con suối chảy từ đại ngàn nên ở Xím Vàng có sự hoang sơ, bình yên và rất đỗi thơ mộng.

Ngắm nhìn những thung lũng ruộng bậc thang trải dài óng ả, ít ai biết rằng, cách đây hơn 40 năm, Xím Vàng chỉ là vùng đất cằn cỗi, thưa thớt, cuộc sống khó khăn thiếu thốn bộn bề; ở thời điểm đó, người Mông nơi đây chỉ biết canh tác theo tập quán “chọc lỗ tra hạt”, thiếu đói quanh năm.

Những cung ruộng bậc thang được tạo nên từ bàn tay cần cù sáng tạo của người Mông vùng cao Xím Vàng

Những cung ruộng bậc thang được tạo nên từ bàn tay cần cù sáng tạo của người Mông vùng cao Xím Vàng

Trao đổi với chúng tôi trên đường xuống thăm bản, ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng cho biết, việc vận động người Mông cấy lúa nước ở ruộng bậc thang là vô cùng khó khăn, vì hệ thống thủy lợi không có, khí hậu khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất hạn chế… nên ít ai tin là sẽ được ăn. Thế nhưng nhờ chủ trương chính sách đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy Đảng, những nỗ lực vận động không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ từ xã tới thôn bản, bà con Xím Vàng đã vững tin vào công cuộc khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa nước.

“Hơn 40 năm về trước bà con chủ yếu làm nương, năng suất thấp, thiếu đói thường xuyên xảy ra, phải ăn mèn mén, ăn củ trong rừng. Thời đấy, xã phải đi tuyên truyền từng bản, từng hộ đào đường nước trước, sau đó tuyên truyền động viên người dân đi khai hoang.

Quá trình cải tạo gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí làm thủy lợi, ban đầu nhiều hộ không nghe theo nhưng bây giờ ai cũng thấy hiệu quả việc khai hoang mang lại năng suất cao”, ông Giàng A Nênh nói.

Những dải lụa vàng uốn lượn quanh sườn núi

Những dải lụa vàng uốn lượn quanh sườn núi

Sau 15 phút đi bộ men theo các sườn núi, hiện ra trước mắt chúng tôi là thung lũng ruộng bậc thang ngút ngàn trong sắc nắng. Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của nhà nước vào hệ thống thủy lợi, diện tích ruộng bậc thang của Xím Vàng tăng lên nhanh chóng, toàn xã hiện có hơn 320 ha với năng suất bình quân 6 tấn/ha, cao gấp đôi so với cách đây gần 2 thập kỷ.

Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Mùa Thị Khua, ở bản Xím Vàng, xã Xím Vàng hồ hởi khoe với chúng tôi về vụ mùa ấm no của gia đình: “Trước đây nhà tôi chỉ biết trồng lúa nương, đói lắm. Nhưng từ ngày được xã vận động khai hoang trồng lúa nước thì khác rồi, giờ có đủ cơm ăn, còn bán đi có tiền mua quần áo, sách vở cho các con, nhà cửa cũng được no ấm, vui lắm”.

Đến Xím Vàng hôm nay, có thể dễ dàng bắt gặp từng đoàn du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng mùa vàng nơi vùng cao mây trắng. Hồ Thị Quỳnh Trang, cô sinh viên năm cuối ở Hà Nội lần đầu tiên tới đây đã ngay lập tức ngất ngây trước cảnh đẹp nên thơ, gần gũi của Xím Vàng; Trang cho biết, nhất định sẽ quay trở lại cùng với bạn bè, người thân mỗi khi mùa lúa thơm bông.

“Lần đầu tiên em đi từ Hà Nội lên đây, em cảm thấy núi non hùng vĩ, cảnh lúa rất đẹp. Chúng em đi đúng mùa lúa chín, được hòa mình vào thiên nhiên gần gũi. Nếu có dịp lần sau em sẽ đưa người nhà, người thân lên thăm Xím Vàng”.

Mảnh đất vùng cao đang đổi thay từng ngày

Mảnh đất vùng cao đang đổi thay từng ngày

Gần 70 năm gắn bó với Xím Vàng, từ khi còn là cậu bé người Mông loắt choắt theo mẹ lên nương làm rẫy, ông Giàng A Cheo, nguyên cán bộ công an xã Xím Vàng cười rạng rỡ khi kể về những đổi thay từng ngày trên mảnh đất quê hương. Ông bảo, trước bà con chỉ biết làm ruộng, đi rừng, giờ có du lịch rồi, cuộc sống đỡ vất vả hơn, không còn phải đi đâu xa nữa, yên tâm làm giàu ngay trên chính mảnh đất ông cha.

"Từ khi có du lịch trên vùng mình, đường phát triển, người dân cũng yên tâm, đời sống khác hoàn toàn, người dân không phải di cư đi đâu cả. Giờ ai ai cũng có tủ lạnh, máy cày, máy tuốt lúa, nhiều lắm", ông Giàng A Cheo tâm sự.

Khi thu về gọi mùa lúa chín nơi những ruộng bậc thang trên triền núi, cả Xím Vàng lại tràn ngập trong sắc óng ả. Cùng với những nét đặc trưng, độc đáo riêng có của các xã vùng cao Bắc Yên như thiên đường mây, chè Tà Xùa, sống khủng long Háng Đồng hay khu rừng sơn tra xanh mướt, thì ruộng bậc thang đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Xím Vàng. Những thang bậc ấm no ấy không chỉ mang lại sự đủ đầy cho bà con nơi đây, nó còn là thứ men say làm du khách thập phương mê đắm tìm về./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/ve-dep-vung-cao-xim-vang-son-la-post973028.vov