Về đích để… chạy tiếp!

Theo dự kiến, ngày mai 22-12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được vận hành chính thức. Cuối cùng thì đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng về đích, ngay trong những ngày cuối năm 2024, giữ đúng cam kết vận hành chính thức trong năm mà không để leo qua năm sau, sau 5 lần hứa hẹn.

Metro số 1 sẵn sàng vận hành phục vụ người dân. Ảnh: QUỐC HÙNG

Metro số 1 sẵn sàng vận hành phục vụ người dân. Ảnh: QUỐC HÙNG

Một diện mạo mới của TPHCM, hiện đại hơn và cũng nhờ kết nối nhanh hơn nên khoảng cách đi lại cũng vì thế mà gần hơn, thân thiện hơn. Không chỉ niềm vui, hứng khởi của người dân đi tàu thử nghiệm mà ở các khu vực xung quanh nhà ga, các điểm kết nối xe buýt (điện) cùng hàng loạt “cổng thông tin” cung cấp dữ liệu, hướng dẫn thao tác cho người dân đã tạo nên một không khí “khởi hành” tràn ngập sự phấn khởi, tự hào khi tuyến metro đầu tiên của thành phố, của khu vực phía Nam đã đi vào hoạt động.

Khi những bước cuối về chỉnh trang toàn bộ đang hoàn thiện trong thực tế, trong đó chủ yếu là khảo sát ở khu vực bên ngoài metro thì ở không gian ảo, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cùng với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) cũng đang gấp rút thực hiện “số hóa” tuyến metro số 1 - tức khảo sát và nắm chắc các chỉ số bên trong qua hệ thống kỹ thuật cao như máy bay không người lái kết hợp Lidar và máy ảnh chụp 3D đặc biệt, độ phân giải siêu cao, đa lens để giám sát chất lượng vận hành cũng như lưu giữ dữ liệu (đến hàng trăm năm sau) của cốt thép, đường kính thép, bề dày của lớp vỏ bê tông hầm, hệ thống cơ điện… cho đến khoảng cách, số đo của từng chi tiết một, kể cả từng con bu lông, ốc vít… Các công việc này sẽ không thể thực hiện được tại nhiều khu vực khi tàu bắt đầu vận hành, để đảm bảo an toàn tuyệt đối và tối ưu hóa hoạt động vận hành, bảo trì và lưu trữ cho metro số 1.

Như vậy, công đoạn này không chỉ tối quan trọng cho việc vận hành hiện tại mà còn là dữ liệu - thực cho tương lai, khi ngay trong ngày metro số 1 chính thức hoạt động thì Bộ Chính trị đã có Kết luận về Đề án Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM đến năm 2035, trong đó TPHCM sẽ phát triển 355km đường sắt đô thị đến năm 2035 và 155km đường sắt đô thị đến năm 2045.

Ngay sau cú về đích, ở cả 2 thành phố lớn của cả nước lại tiếp tục bước vào hành trình… chạy đua để kịp với “Kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Xét trên tổng thể thì đây là bước hợp nhất thú vị của cả thách thức và cơ hội. Thách thức để tháo gỡ, phá bỏ những bất cập, trì trệ cũ (mà vì nó mà 20km metro số 1 đã phải kéo dài trong 20 năm qua). Cơ hội để xác lập mô hình vận hành mới tương thích với các cơ chế mới, khoa học, minh bạch và mạnh mẽ hơn nhiều.

Sức nóng đột phá để khởi động Kỷ nguyên mới trong mấy tháng vừa qua đã góp phần và cũng là minh chứng cho những tiền đề hành động, nhất quán (từ trung ương xuống địa phương, từ cơ chế mới đến tính thực thi) đầy tính khả thi, tạo hiệu ứng xã hội tích cực rõ nét.

Dù gì thì bài học 20 năm - 5 lần lỗi hẹn và những hệ lụy kéo theo của dự án tuyến metro số 1 là rất cần thiết cho giai đoạn triển khai sắp tới. Chắc chắn bộ “hồ sơ kinh nghiệm” vướng mắc từ pháp lý, thủ tục đến vốn, kỹ thuật và hẳn nhiên là con người sẽ cần được tiếp cận từ nhiều khía cạnh mà mục tiêu là không để lặp lại những bất cập khách quan lẫn sai sót chủ quan.

Hơn nữa, với khối lượng công việc phải đốc thúc và xử lý (trên mọi phương diện) trong gần 1 năm qua, đúng hơn là 6 tháng qua để quyết liệt giữ đúng cam kết của lãnh đạo thành phố với người dân là không thể lùi hơn nữa thời hạn vận hành thương mại cả về phía chủ nhà lẫn khách (đối tác nhà thầu, giám sát…) đã mang lại kết quả như mong muốn. Vấn đề không chỉ là không được thất hứa với dân mà còn ở chỗ chậm trễ ngày nào là gây ra lãng phí lớn ngày đó, trong tình hình hiện nay, hiệu quả còn phải đi cùng tiết kiệm, chống lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Sẽ có ít nhất 43 cơ chế, chính sách đột phá được đề xuất, trong đó bao gồm 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và phần còn lại thuộc về hiệu quả của phân cấp ủy quyền mạnh cho địa phương, phát huy tối đa nội lực của hai trục động lực tăng trưởng chính của quốc gia là Hà Nội và TPHCM. Để mục tiêu trong 10-15 năm tới, sẽ có tối thiểu 1.000km đường sắt đô thị xuyên qua, bao quanh 2 thành phố.

Tất cả đang được khởi động từ cú tiếp đích cuối năm - metro số 1 bắt đầu sứ mệnh tăng tốc của mình!

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-dich-de-chay-tiep-post774146.html