Về hai từ láy 'lan man', 'lãng đãng'
Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra 3 từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: nghỉ ngơi, ngơi ngớt, ngột ngạt. Trong bài này, chúng tôi sẽ phân tích nghĩa các thành tố của hai từ lan man, lãng đãng. (Phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1- “LAN MAN tt. (Nói, viết, suy nghĩ...) kéo dài không dứt, điều nọ tiếp nối điều kia một cách lộn xộn, thiếu hệ thống, không rõ ràng, mạch lạc. Trình bày lan man, Suy nghĩ lan man. “Xuân đã kể lan man một thôi sang chuyện khác”. (Vũ Thị Thường)”.
Thực ra, lan man 瀾漫 là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại]: lan 瀾 nghĩa là phát triển rộng dần ra trên bề mặt (như Ngọn dưa hấu bò lan khắp ruộng: Lửa cháy lan rộng; tiếng đồn lan xa); “man” 漫 nghĩa là tràn, lan rộng ra (như Nước man dần trên bề mặt đê; mê man 迷漫 = bề bộn, rất nhiều):
- Hán ngữ đại từ điển giảng chữ “lan” với 2 nghĩa liên quan là “sóng lớn” và “sóng gợn lăn tăn” [nguyên văn: đại ba lãng - 大波浪; ba văn -波紋]; giảng “man” hai nghĩa là “nước đầy tràn, chảy tràn” và “phóng túng; tản mạn; không chịu bó buộc”. [thủy mãn ích xuất, lưu ích - 水滿溢出,流溢; phóng túng; tán mạn; bất thụ ước thúc - 放縱;散漫;不受約束].
Trong tiếng Hán, “lan man-瀾漫” được dùng với một số nghĩa như “vẻ phân tán; vẻ tạp loạn, lộn xộn”; “sắc màu rực rỡ, tươi sáng”; “vẻ hứng thú cao độ”.
Sở dĩ lan 瀾,nghĩa là sóng lớn, sóng gợn lăn tăn, được hiểu với nghĩa phái sinh là “mở rộng phạm vi trên cùng một bề mặt”, “tủa rộng ra”, là bởi, đây chính là kiểu sóng nước hình tựa các vòng tròn đồng tâm, lan dần ra ngoài (chữ văn - 紋trong ba văn - 波紋, có nghĩa là vằn, ngấn nếp. Còn man - 漫vốn chỉ nước chảy tràn ra, về sau chỉ sự lan rộng nói chung.
Tham khảo: Trong sách Hình thái học trong từ láy tiếng Việt, Phan Ngọc cho rằng, man chỉ là hậu tố của lan. Ông phân tích: “Lan man (+ 0): “Lan” là chính tố, như trong lan ra chỉ sự mở rộng: Trước đấy nạn đói lan ra khắp vùng này. Man đi với lan để làm hậu tố nhấn mạnh và chỉ sắc thái lộn xộn. Cách trình bày của anh lan man. Anh ta suy nghĩ lan man”.
Tuy nhiên, những phân tích trên đây cho thấy, man không phải là hậu tố của lan, mà là thành tố đẳng lập với lan.
2- “LÃNG ĐÃNG đgt. (hoặc tt.). (vch.). Ở trạng thái di động chậm chạp, nhẹ nhàng, lơ lửng khi ẩn khi hiện, lúc xa lúc gần, mờ mờ ảo ảo. Sương sớm lãng đãng trên mặt sông. “Trời tây lãng đãng bóng vàng”. (Nguyễn Du). “Hồn này lãng đãng trôi trong nắng” (Nguyễn Bính).
Lãng đãng 浪蕩 là từ ghép đẳng lập gốc Hán [nghĩa lịch đại]: lãng - 浪 nghĩa là sóng nước; sự vật giống sóng nước; đãng - 蕩 nghĩa là sự dao động, lay động. Hán ngữ đại từ điển giảng “lãng” với nghĩa chỉ “sự vật có hình trạng dợn lên, nổi lên giống sóng nước, như: mạch lãng 麥浪 (sóng lúa), thanh lãng 聲浪 (sóng âm thanh)”, và “đãng” với nghĩa “dao động; lay động”.
Với từ lãng đãng - 浪蕩, Hán ngữ đại từ điển giảng một số nghĩa như: 1 du lãm khắp nơi nơi; 2 nhàn rỗi, không có nghề nghiệp; 3 hành vi không kiểm soát, phóng đãng, v.v... tất cả đều không thấy có nghĩa nào giống lãng đãng trong tiếng Việt. Tuy nhiên, nghĩa của từng yếu tố lãng và đãng, mà Hán ngữ đại từ điển giảng, thì thể hiện rất rõ trong nghĩa khái quát của lãng đãng trong tiếng Việt.
Như vậy, “lan man” là từ ghép đẳng lập gốc Hán, trong đó cả hai thành tố cấu tạo từ “lan” và “man” đều có khả năng độc lập trong hành chức; còn “lãng đãng” cũng là từ gốc Hán, nhưng các yếu tố cấu tạo từ đều phụ thuộc vào nhau, nên “lãng đãng” được xem là từ láy (theo quan điểm của các nhà biên soạn từ điển).
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ve-hai-tu-lay-lan-man-lang-dang-38130.htm