Về Hoằng Hóa xem hội ngày xuân
Nổi tiếng là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Hoằng Hóa đã lưu giữ nhiều nét văn hóa thông qua các lễ hội. Về xem hội xuân tại vùng đất Hoằng Hóa, người dân và du khách sẽ được cộng cảm trong không gian văn hóa truyền thống, đặc sắc.

Người dân tham gia Lễ hội Kỳ Phúc làng Quỳ Chử.
Về với làng Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ) những ngày đầu xuân, người dân sẽ được hòa vào không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt thông qua Lễ hội Kỳ Phúc. Lễ hội được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 2 âm lịch tại Di tích Đình Trung với nhiều phần lễ và phần hội gắn kết với nhau tạo nên nét văn hóa độc đáo, riêng có của vùng đất này.
Lễ hội được tổ chức với các nghi thức truyền thống như: rước kiệu, tế nữ quan, tế nam quan để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh. Những người tham gia tế lễ phải được các cụ cao niên trong làng chọn lựa theo tiêu chuẩn là người khỏe mạnh, gia đình không có chuyện tang, buồn, con cháu trong gia đình thành đạt, ngoan ngoãn. Các nghi lễ truyền thống của lễ hội được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày và có sự đan xen với các trò chơi, trò diễn truyền thống.
Nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đã gắn liền với lễ hội và được người dân duy trì thực hiện đó là trò gánh nước và cơm thi cá giải. Gánh nước là phần thi đầu tiên trong phần hội của làng Quỳ Chử. Dân làng được chia thành các đội thi theo thôn, trong trang phục truyền thống với áo tứ thân, khăn xếp, quang gánh và chõ đựng nước. Đối với trò cơm thi cá giải, người tham gia sẽ vừa chèo thuyền vừa bắt cá và nấu cơm. Các trò chơi vừa thể hiện tài năng chèo thuyền, kéo chài lưới của nam giới trên sông nước, vừa thể hiện khả năng nội trợ, khéo léo, đảm đang của người phụ nữ khi gánh nước, nấu cơm trên thuyền. Trò chơi diễn ra trong tiếng reo hò, cổ vũ của người dân đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng.
Ông Lê Đình Biên, trưởng thôn Tây Phúc, trưởng làng Quỳ Chử cho biết: "Làng Quỳ Chử gồm 3 thôn Tây Phúc, Trung Tiến, Đông Nam. Vào ngày lễ hội, người dân 3 thôn tập trung về Đình Trung để tham gia các hoạt động truyền thống. Vào ngày lễ hội, con cháu trong làng phải gánh nước ở giếng làng về nấu cơm tế thành hoàng làng. Do đó, người dân luôn duy trì hai trò chơi đó là gánh nước và cơm thi cá giải với mong muốn thể hiện lòng thành kính với những bậc tiền nhân, thần linh".
Công chức văn hóa - xã hội xã Hoằng Quỳ, Đặng Thị Thu Hương cho biết: "Lễ hội Kỳ Phúc làng Quỳ Chử là một nét đẹp văn hóa của xã, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và khách thập phương tham gia. Lễ hội là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương, là sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân trong xã và du khách thập phương".
Ở xã Hoằng Trường, cứ vào tháng 2 âm lịch, Nhân dân địa phương lại nô nức tham gia Lễ hội Cầu Ngư đặc trưng của ngư dân vùng biển. Lễ hội cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và ngư dân khai thác thuận buồm xuôi gió, vụ mùa bội thu. Đây cũng là dịp để người dân tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân có công lập làng, dựng nghề. Điểm đặc sắc của lễ hội là nghi lễ rước Long Châu. Đoàn rước Long Châu gồm đoàn người khiêng Long Châu, dàn ngũ âm, đoàn người đội lễ, tất cả hòa vào nhau tạo nên một không khí lễ hội sôi động. Nghi thức rước Long Châu luôn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân các xã ven biển huyện Hoằng Hóa. Bởi với người dân vùng biển, đây là dịp để họ tạ ơn biển khơi đã cho gia đình họ sự trù phú, ấm no và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, Lê Thanh Cảnh cho biết: “Cùng với các nghi thức truyền thống, lễ hội thường diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn truyền thống như: đua thuyền, kéo co, bịt mắt bắt vịt, chọi gà... Lễ hội Cầu Ngư xã Hoằng Trường đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển. Thông qua lễ hội, đời sống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân vùng biển xứ Thanh được thể hiện một cách đặc sắc”.
Nhắc đến Hoằng Hóa là nhắc đến kho tàng lễ hội với 32 lễ hội truyền thống đặc trưng cho mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng dân cư. Sự đa dạng đó được thể hiện thống nhất trong không gian văn hóa xứ Thanh và tín ngưỡng của người Việt. Hơn thế, các lễ hội đều thể hiện mong muốn của người dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc; là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với những người có công, bậc tiền nhân.
Để phát huy giá trị của các lễ hội, huyện Hoằng Hóa và các địa phương đã tích cực tuyên truyền những quy định về lễ hội; phát huy vai trò của người dân trong việc thực hành và phát huy các giá trị của lễ hội. Việc tổ chức lễ hội được các địa phương và ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích thực hiện đảm bảo an toàn, văn minh nhằm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-hoang-hoa-xem-hoi-ngay-xuan-243994.htm