Về Huế để thương

Huế của tôi một năm hai mùa mưa, nắng. Mưa thì trắng trời trắng đất, 'trời hành cơn lụt mỗi năm', nắng thì nóng đến sạm da.

Huế của tôi một năm hai mùa mưa, nắng. Mưa thì trắng trời trắng đất, “trời hành cơn lụt mỗi năm”, nắng thì nóng đến sạm da. Thời tiết khắc nghiệt thế nên ai đã sống ở mảnh đất này, một đời người, nửa đời người hay một thời gian ngắn cũng sẽ hiểu mà thương Huế. Thương hoa trái Huế ngọt ngon, thơm ngát - đó là thương sự cần cù đổi mồ hôi lấy ngọt ngào. Thương con người Huế mưa nắng dãi dầu vẫn chăm lo sự học, sống hiền lành, thân thiện - đó là thương đạo đức được giữ gìn, nơi con người bình thường cũng trở nên minh triết khi biết sống thuận theo trời đất, tử tế với thiên nhiên, với con người. Những giá trị ấy thời nay thật quý!

Thế cho nên mới có những cuộc tìm về.

Có lẽ mở đầu cho hành trình về Huế vì thương đó là cuộc tìm về cứu nguy khẩn cấp Quần thể di tích Cố đô Huế hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh. Con số thống kê đầy xót xa của năm 1981: Trong tổng số 1.400 công trình kiến trúc cung đình chỉ còn 400 công trình hiện hữu trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Huế đã chạm đến trái tim cả nước và cộng đồng quốc tế khi ông Amadou Mahtar M’Bow - Tổng Giám đốc UNESCO thời bấy giờ ra lời kêu gọi khẩn cấp “Di sản Huế đang lâm nguy, đang đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và quên lãng”.

Hoa nắng. Ảnh: Đăng Tuyên

Hoa nắng. Ảnh: Đăng Tuyên

Sau lời kêu gọi ấy là mười năm nỗ lực của không biết bao nhiêu tấm lòng, trí tuệ, tiền bạc, công sức của cả nước và quốc tế đến với Huế, kết quả là Quần thể di sản kiến trúc cung đình Huế được cứu nguy khẩn cấp, một phần cung đình của Huế xưa hiện ra, nguyên vẹn và rạng rỡ. Huế là địa phương đầu tiên đem vinh dự và niềm tự hào về cho Việt Nam khi vào ngày 11/12/1993, UNESCO công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản kiến trúc của nhân loại. Những trái tim yêu Huế, thương Huế quen có, lạ có ấy đã mở đầu may mắn cho một chuỗi giá trị của Huế được thế giới vinh danh sau đó. Đến năm 2025 này, Huế là thành phố duy nhất ở Việt Nam và ở Đông Nam Á có đến 8 di sản thế giới (trong đó có 6 di sản là riêng có của Huế).

Tình thương là thứ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Huế xưa đã được “dựng lại” từng ngày từ lời kêu gọi của vị Tổng Giám đốc UNESCO năm ấy. Có người đem hết gia tài cả một đời người của mình về phục dựng nhà rường Huế xưa, có người về dựng nguyên vẹn một ngôi nhà vườn, thổi hồn vào đó nào cây trái, cỏ hoa và nếp sống thuần Huế, từ việc cúng kiếng, nề nếp gia đình, sinh hoạt đời thường cho đến các trò chơi, đọc sách, ẩm thực. Nhiều người dựng bảo tàng giới thiệu về lịch sử - văn hóa Huế: Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Bảo tàng Trưng bày các bộ sưu tập đồ sứ, đồ đồng, tượng Phật, trang phục cung đình. Có người dựng lại nghề thêu, có người sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các bài bản ca múa nhạc cung đình và dân gian. Huế như một khu nhà vườn được chăm sóc cẩn thận, để rồi theo ngày tháng, những giá trị Huế thuần cung đình, Huế thuần dân gian hiện ra, đẹp rất riêng không nơi nào có được.

Kinh tế cũng đã có những cuộc trở về Huế, đến với Huế mang theo mong ước thúc đẩy Huế phát triển, làm giàu cho Huế, nâng cao đời sống của người dân. Những tấm lòng ấy, có khi hiển lộ bằng những dự án, có khi là những âm thầm vận động đầu tư cho Huế. Lịch sử phát triển kinh tế Huế sau ngày đất nước thống nhất, với nhiều người đó là những trang được mở chậm. Riêng về điều này, bạn bè tôi cũng có lúc tranh cãi nhau, rằng chậm tốt hay nhanh tốt? Câu hỏi dai dẳng tưởng như bất tận và không có đáp án nào thỏa đáng ấy, thế giới đã có câu trả lời “Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ kinh tế”. Huế đã chọn bảo vệ môi trường ngay từ trước khi thế giới báo động về biến đổi khí hậu, Huế chọn bảo vệ văn hóa và kiên định tin vào những giá trị mà mình đang có, nhờ thế Huế bảo tồn được những giá trị của thành phố di sản, là nền tảng quan trọng để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy chế dành cho đô thị di sản văn hóa quốc gia.

Huế là mảnh đất của những gọi mời nên sẽ tiếp tục có những cuộc tìm về, sát cánh bên Huế để yêu quý Huế theo một cách khác từ mùa xuân mới này. Huế chưa là thành phố giàu về kinh tế, nhưng Huế có những giá trị mà con người hiện đại rất cần. Huế có tất cả cho những cuộc tìm về với lịch sử - văn hóa - thiên nhiên và theo sau đó là kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Về Huế để đi thác, đi rừng, lên đồi Vọng Cảnh, xuôi dòng sông Hương, về biển Thuận An, về phá Tam Giang - Cầu Hai nghe trong cơn gió chiều tiếng vọng của Huế nghìn xưa. Lịch sử vùng đất Cố đô xưa - nguồn gốc của thành phố di sản, thành phố mới hôm nay được kể bằng những chiều thời gian và không gian rộng lớn như thế, vô cùng khoáng đạt làm con người bỗng thấy mình cũng lớn lên theo. Huế đâu chỉ là của riêng Huế mà đó là một phần của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Bao nhiêu điều mới mẻ đang diễn ra trong lòng thành phố. Năm mới này sẽ hoàn thành cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, cầu vượt biển Thuận An dài nhất miền Trung đang dần hiện ra vóc dáng, thành phố hướng về biển trong sự vươn mình với một nỗ lực mới và đẹp, chắc chắn thế. Mùa xuân này, Huế sẽ là một thành phố của hoa, đặc biệt là hoàng mai. Tôi sẽ dẫn bạn về thăm nhà những người nông dân trồng mai làng Thế Chí Tây (Điền Hòa, Phong Điền), nhân thể làm một chuyến du xuân những ngôi làng ven phá Tam Giang bây giờ cũng rực một sắc mai vàng, hay đạp xe thật chậm quanh những con đường trong Thành Nội, ngắm những mảng rêu xanh đang dần che vết bom đạn trên bức tường cổ, hòa nhịp thở cùng cỏ cây hoa lá... Mọi sự bỗng chốc trở nên tươi mới, bạn sẽ thấy mạnh khỏe, yêu đời và yêu chính mình nhiều hơn. Bằng sự khiêm nhường của mình, Huế “chữa lành” những thương tổn mà cuộc đời vô tình hay hữu ý đem đến cho bạn. Huế là mảnh đất mầu nhiệm như vậy đó.

Hãy mặc áo dài và chụp thật nhiều ảnh đẹp với mùa xuân Huế. Khi bạn đứng cạnh bờ tường Hoàng thành, bên ngôi nhà cổ, trước sân ngôi nhà thờ họ hay khi bạn chọn “background” là cầu Thuận An, cánh đồng lúa mùa xuân hay cảng Chân Mây, mái nhà ga cong cong đẹp vô đối của sân bay quốc tế Phú Bài..., bạn sẽ hiểu và chia sẻ cùng Huế trong chặng đường mới. Huế có nhiều “của để dành”, nhưng cũng gánh trên vai trách nhiệm lớn, vừa phải biết cách “làm ra tiền” vừa phải bảo vệ những “của cải” thiên nhiên mà ông cha để lại cho hôm nay và mai sau.

Gặp Huế rồi, tôi tin bạn sẽ hiểu và tiếp tục thương Huế, quý Huế, bảo vệ Huế như bao người nhiều năm qua đã làm, đang làm và sẽ làm. Huế vẫn chờ bạn như câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng năm nào: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Nguyễn Khoa Diệu Hà

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/ve-hue-de-thuong-149933.html