Ký ức nắng
Lớp tôi, Văn K1 Đại học Tổng hợp Huế, vừa có cuộc họp mặt tại Huế nhân 43 năm ra trường. Có một cuộc chúng tôi tổ chức ở đầm Chuồn.
Hồi tôi còn ở Huế, đầm Chuồn chưa tiếng tăm gì, nó cứ mênh mông thế, cứ hoang phế thế, lặng lẽ im lìm thế. Những ngư dân suốt ngày lặn ngụp nò sáo giữa mênh mông vắng lặng. Giờ địa danh này thành nơi du lịch nổi tiếng, không chỉ của dân du lịch nơi khác đến, mà cả ngay người ở Huế, nếu có lúc nào đấy ai bâng quơ: Chiều nay đi đâu nhỉ? Giữa hàng chục địa chỉ được nhắc, thể nào cũng có đầm Chuồn.
Buổi chiều, những con đò máy nhỏ đưa chúng tôi ra nhà hàng nổi. Và trời ạ, tất cả cùng reo lên khi nhìn thấy mặt trời đang hạ dần xuống phá.
Tất nhiên rồi, thời buổi của... ảnh, huống gì lớp tôi tới một nửa là nhà văn, nhà báo, máy ảnh lủng lẳng trên cổ, huống gì túi ai cũng có smartphone loại xịn nhất.
Quả là, chiều trên phá Tam Giang đẹp vô cùng. Mặt trời vừa lừ lừ vừa nhí nhảnh như cứ cố níu kéo sự có mặt của mình bằng những tia sáng hình nan quạt với rất nhiều gam màu ánh sáng. Thôi thì đủ kiểu chụp nắng, chụp mặt trời, từ giơ tay hứng tới ngửa mặt hứng, từ xõa tóc tới thả áo tung khăn phấp phới trước gió và nắng chiều Tam Giang.
Và trong tôi lại hào hển trở về cái hồi mà mỗi lần về quê vẫn con đường duy nhất là đi đò dọc.
Nhà tôi ở làng Thế Chí Tây, vùng Ngũ Điền, được mệnh danh là nơi khó khăn nhất tỉnh. Mà khó nhất là giao thông. Có đường bộ nhưng phải đi vòng ra Mỹ Chánh hoặc qua đò Sịa, cái bến đò có lẽ rộng nhất... Việt Nam, bên này nhìn bên kia hút mắt. Và đa phần là xe đạp, thảng hoặc mới có người có xe máy.
Tôi, sinh viên, thường là chọn đi đò.
Từ bến đò Đông Ba có mấy tuyến đò về làng tôi. Tuyến đúng nhất là Đông Ba – Chợ Biện thì xuất bến khoảng 10 giờ trưa, 2 giờ chiều tới, rất lỡ bữa trưa, mệt mỏi và đói. Tuyến Đông Ba - Điền Hải và Đông Ba - Điền Lộc thì xuất bến lúc 2 giờ chiều. Tôi hay chọn đi tuyến Đông Ba - Điền Lộc, đò sẽ ghé chợ Biện rồi giong thêm mấy cây số nữa lên Đại Lộc, chứ nếu đi Điền Hải thì phải có người đi đón, hoặc đi bộ 3 cây số về. Và bởi lý do nữa là, đi giờ ấy, ngắm chiều trên sông và phá Tam Giang cực đẹp.
Qua khỏi Bao Vinh là bắt đầu sông mở ra, rất rộng. Mọi người lim dim ngủ thì tôi hoặc lên mui, hoặc thò đầu ra cửa sổ ngắm sông.
Đò chạy rất chậm, thậm chí cứ tưởng đứng yên. Nhưng chính vì thế mà ta được ngắm phong cảnh hai bên bờ, ngắm sông và những gì trên sông rất đã.
Là người cào hến, cào sỏi, thả lưới, bóng những ngư dân, những người làm nghề sông nước đen bóng, lực lưỡng hắt lên sông, hắt xuống sông, và bản thân họ như những pho tượng tạc vào chiều, vào nắng.
Có hồi tôi đã viết nhật ký như thế này: “Mùa hè nào đấy, sông Hương mỗi chiều, nước mặn lên và chúng tôi tắm. Té ra cái khoảng cách mặn ngọt nó không lấy gì là vững chắc lắm, mà nó rất mỏng manh, rất nhẹ nhàng và đầy ngẫu hứng. Ùm xuống, ngậm ngụm nước đầu tiên, phun ra vì lợ, biết là nước lên. Dạt về phía cửa Thuận, những con đò lửng lơ cháy đen trong nắng. Người trên đò còn cháy hơn. Ơ thế mà tiếng hò thì ngọt, thì dịu, thì miên man dằng dặc. Có đò cào rong, cào hến đứng thi gan với nắng. Có đò dọc, về Thanh Hương, Ưu Điềm, Đại Lược... những con đò rướn nước bậm bạch trong nắng quái. May còn có gió, cái gió phất vào từ hướng cửa Thuận khiến người ngồi trong cứ nhoài ra, giơ mặt hứng gió. Một cảm giác vừa phiêu du vừa lãng mạn nhưng cũng đầy “đồng cam cộng khổ” với mùa hè. Tôi từng ngồi trên những con đò ấy với 2 trạng thái. Trạng thái chịu đựng để nhanh về nhà mà không thể nhanh được, và trạng thái hứng khởi tự nguyện du lịch phá Tam Giang. Đò trôi ngang dọc đó đăng/ bao nhiêu khô khát gió mang về trời/ chỉ còn tôi với tôi thôi/ giữa bao la nước và trời Tam Giang...” (Thơ tôi).
Với nắng, tôi may mắn có hai lần được... trời cho khi viết được những chữ ưng ý, một lần là nắng “mưng mưng”, ấy là tự nhiên buột ra được câu thơ: “Nào cuối năm ta như người mang nợ/ ân oán gì mà nắng cứ mưng mưng”. Và lần nữa là “nắng mẩy”: “Thế mà trong một khoảnh khắc phối màu tuyệt vời, trong một bố cục vô tình với độ nghiêng của dốc, độ xiên của nắng, cái thăm thẳm của mắt và cơn cớ của nhạt nhòa ký ức, của vọng vang tiếng chuông mơ hồ đâu đó, ta có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều như cổ tích với những cung bậc cảm xúc đến thắt nghẹn mà lại mở toang ra rất nhiều ô cửa nhỏ.
Những ô cửa mở vào mình.
Nắng mẩy ạ, mùa xuân đến”.
Và tôi cũng từng có Huế chiều với nắng: “Khi ấy tôi đã trở thành cựu sinh viên, thành một gã Huế tha hương. Về quê, cô bạn cũ rủ vào Hoàng thành uống cà phê, quán cà phê rất đẹp, “Tứ phương vô sự”, nhân viên đẹp, cái gì cũng đẹp, trừ… tôi. Là vì tôi đang lạc vào một tôi khác, một tôi của một chiều nào đấy, ngồi ở cà phê Chiều mà tiếc những chiều đã thản nhiên trôi. Nhạc Trịnh da diết mộng mị bởi Khánh Ly, Huế như tan trong mắt cô sinh viên bàn đối diện. Phía bên kia, bức tường rêu phong như chứng nhân những vương triều hoang phế. Đã từng uy nghi, đã từng lộng lẫy, từng áo tía lầu son, từng là ước mơ từng là viễn vọng… giờ rêu và cỏ ngự trên bờ thành gạch nhác trông như tranh tường thế kỷ 18 ở một phương nào đấy, có thể là không có thực. Câu thơ vụt trong đầu “Ta hóa bão bên em chiều mưa ấy/ rêu Hoàng thành xám ở phía em ngồi”…
Tôi có thêm một Huế chiều trong hành trình… nhớ Huế”.
Mùa xuân này tôi lại... tha hương, là không về Huế ăn Tết như khi hồi còn ba mẹ. Quê giờ chỉ còn vợ chồng em trai, mà tôi thì cũng đã có đại gia đình của mình ở quê mới, con cháu về với ông bà, dẫu vẫn có năm tôi tha cả nhà về quê ăn Tết. Giờ đi lại không còn như xưa nữa. Có xe riêng phi một hơi về tận cổng. Những con đò đã trở thành dĩ vãng, hình như giờ chỉ còn một ít để chở hàng. Đường ô tô chạy qua làng, nếu không có phương tiện cá nhân thì đi xe bus, xe gọi đi chung cũng rẻ. Ngày xưa, Tết thường là mưa, nhưng giờ, “hòa chung không khí” biến đổi khí hậu, nhiều năm Tết mà Huế vẫn nắng tưng bừng. Nhưng tôi vẫn yêu, vẫn hồi hộp khi nhớ tới những cơn nắng ký ức. Nó trong veo như nắng và cũng nồng nàn như nắng. Nó vẫn hồi hộp và vẫn bâng khuâng, dẫu tuổi tác đã khiến sự bâng khuâng nó không thanh thoát nhẹ bâng như hồi nào nữa...
Hình như với Huế, nắng trở thành một phần ký ức, thành nơi neo ký ức, và nó bắt chúng ta phải luôn luôn nhớ về, nghĩ về và mơ được trở về...
Dẫu Huế còn có đặc sản nổi tiếng nữa là... mưa.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/ky-uc-nang-149929.html