Về Lạc Thủy vui hội xuân
'Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh/Đón tôi về xem hội ở làng bên/Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền/Người lớn bé mê man về hát bội...'. Những câu thơ trong bài thơ Đám hội của nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã thôi thúc tôi về Lạc Thủy vui lễ hội mùa xuân. Lễ hội mùa xuân ở Lạc Thủy là một trong những nét đẹp văn hóa và tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc.
Đặc sắc lễ hội truyền thống
Tết đến, xuân về cũng là lúc huyện Lạc Thủy bước vào mùa lễ hội. Đây là vùng đất được pha trộn nhiều nét văn hóa giữa hai dân tộc Kinh - Mường, nơi nổi tiếng có các lễ hội truyền thống đặc sắc, mang giá trị văn hóa, lịch sử chưa bị phai nhạt theo thời gian. Mùng 4 Tết là ngày Khai hội chùa Tiên, xã Phú Nghĩa. Từ sáng sớm, hàng ngàn phật tử, du khách thập phương đến lễ Phật cầu lộc, cầu tài, cầu bình an, sức khỏe, cầu năm mới an lành…
Chùa Tiên là quần thể di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Quần thể di tích gồm hệ thống hang động bố trí rải rác dọc 2 dãy núi Tung Xê và Hương Tích thuộc địa phận thôn Lão Nội, Lão Ngoại của xã Phú Nghĩa. Khu di tích chùa Tiên gắn với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, là điểm nhấn trong phát triển du lịch của huyện.
Nhớ lại lần đầu tiên đến với lễ hội chùa Tiên, chị Mai Thanh Loan, du khách đến từ quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Đây thực sự là điểm đến linh thiêng để gia đình tôi và hàng ngàn du khách cầu nguyện những điều may mắn trong năm mới. Không chỉ được chứng kiến nghi lễ, tham gia phần hội, đến với chùa Tiên, chúng tôi còn được thỏa sức tham quan, khám phá cảnh đẹp nơi đây.
Đã thành thông lệ, vào ngày 10 tháng giêng hàng năm, nhân dân thị trấn Chi Nê và các xã trong huyện cũng như du khách gần xa đều háo hức về với đền Rem ở khu 5 để thể hiện lòng ngưỡng vọng, tôn thờ với tâm nguyện cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người hạnh phúc, nhà nhà ấm no, quê hương phồn thịnh, đất nước yên bình. Năm 2014, di tích đền Rem được UBND tỉnh trao quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đình Niếng tọa lạc giữa khu dân cư thôn Niếng, xã Hưng Thi, là nơi phụng thờ Tứ vị Nam Hải Thánh Nương, nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân thôn Niếng. Đình Niếng cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngày 17/5/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 821-QĐ/UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với đình Niếng. Lễ hội của đình được mở từ này 13 - 14 tháng giêng hàng năm để tỏ lòng thành kính tới các vị Thành Hoàng làng, các vị thần có công với nước, với dân; là nơi để người dân cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc. Đây cũng là dịp bà con dân làng cùng giao lưu, gặp gỡ, chơi những trò chơi dân gian (đẩy gậy, ném còn, giao lưu bóng chuyền, kéo co, đánh đu). Ngày nay, đình Niếng vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của nhân dân trong vùng. Năm 2012, đình Niếng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Là huyện có tiềm năng về phát triển du lịch, Lạc Thủy luôn quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tại huyện phục dựng và duy trì tổ chức 8 lễ hội truyền thống của địa phương như các lễ hội: chùa Tiên, Nhà máy in tiền, đình và đền Vai, đình Niếng, đình làng Đồi, đình làng Vôi... Để xây dựng hình ảnh du lịch Lạc Thủy thân thiện và ấn tượng đối với du khách, tại các điểm du lịch, lễ hội đều thực hiện niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng nâng giá đối với khách; quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo sự an tâm, hài lòng, tâm lý thoải mái cho du khách khi đến du lịch tại Lạc Thủy.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Thủy cho biết: Để làm tốt công tác quản lý lễ hội trong dịp đầu năm 2023, phòng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lễ hội, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, tự do tín ngưỡng. Trên cơ sở đó giúp mọi người nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức, trách nhiệm tham gia lễ hội, chống các biểu hiện mê tín dị đoan... Phòng đã có văn bản gửi các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác lễ hội năm 2023, tổ chức các đoàn kiểm tra trước, trong và sau Tết nhằm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định như văn bản đã hướng dẫn. Chú trọng chỉ đạo tổ chức các hoạt động, dịch vụ tại lễ hội. Phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ, làm tốt công tác bảo vệ chống xâm hại di tích. Ngăn chặn các hành vi thương mại hóa, trục lợi trong lễ hội, bảo đảm hoạt động của lễ hội thực sự văn hóa, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tổ chức ký cam kết đối với các điểm di tích, các thủ nhang, thủ từ tại các điểm di tích và phân công cán bộ phối hợp với thủ nhang, thủ từ thực hiện quản lý trực tiếp tại các điểm di tích. Trong đó, đặc biệt chú ý chấn chỉnh các vấn đề nổi cộm, phát sinh trong mùa lễ hội như: đổi tiền lẻ, ăn xin, tăng giá, ép giá, an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ… và có hướng xử lý đối với những trường hợp vi phạm, không để xảy ra các hành vi gây phản cảm, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Hiện, Lạc Thủy có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 11 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh những địa danh đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, huyện còn nhiều hệ thống hang, hồ, đập vẫn chưa được khai phá. Đó là tiềm năng dồi dào để huyện xây dựng thành các sản phẩm hấp dẫn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó, thời gian tới, huyện tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, trọng tâm là các giá trị văn hóa, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Một mùa lễ hội nữa lại đến, với sự chủ động, tích cực triển khai của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo an toàn, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/174604/ve-lac-thuy-vui-hoi-xuan.htm