Về lại một mái nhà
Chị còn nhớ những ngày anh ôm đứa con gái đầu lòng ra đi không lời từ biệt. Đó là nỗi đau mãi sau này mới ngôi ngoai, cũng nhờ là sau đó mọi điều thuận buồm xuôi gió…
Chị gặp anh trên cao nguyên lộng gió. Anh là một chàng trai lãng tử, thông minh và yêu cây cỏ làm thuốc. Chị là một kỹ sư nông lâm làm ở một viện nghiên cứu. Chị nhớ, hôm đó mấy người cùng phòng cơ quan chị đi thực địa thì tình cờ gặp anh, một thanh niên gầy gò có cặp mắt rực sáng. Gặp một số cây rừng, mọi người không biết thử hỏi anh, không ngờ anh đáp rành rọt từng cây một, cả tên khoa học bằng tiếng Latin nữa. Chị không ngờ lúc đó mình bị hấp dẫn vì kiến thức uyên bác của anh, một nông dân chính hiệu. Thực ra, sau này chị mới biết anh từng học đại học nhưng phải bỏ dở vì chiến tranh, rồi lên Tây Nguyên lập nghiệp, vừa hành nghề y học cổ truyền, vừa nghiên cứu cây cỏ làm thuốc.
Thế rồi sau đó là những cuộc hẹn hò giữa anh và chị. Điều buồn cười là họ thường hẹn cùng đi rừng, đi rẫy để tìm hiểu thêm về cây cỏ nói chung, cây thuốc nói riêng. Chị thấy trong anh một niềm say mê vô tận về cây thuốc. Có lần chị bắt gặp anh đang hì hục chạy bộ lên một con dốc cao vòi vọi, mồ hôi nhễ nhại. Chị hỏi: “Anh đi đâu mà vội thế?”. Anh đáp: “Tôi đang làm nghiệm pháp gắng sức sau khi uống nước củ đinh lăng”.
Vậy đấy, anh là con người đã say mê cái gì thì không ai có thể cản nổi. Sau này khi anh chị đã cưới nhau, về chung một mái nhà chị càng thấm thía điều đó. Anh có thể nhượng bộ chị bất cứ điều gì ngoại trừ việc liên quan đến cây thuốc, chữa bệnh.
Anh chị mua được căn nhà nhỏ, trên khu vườn rộng cả chục nghìn mét vuông đất hồi đó rẻ như cho vì đất rộng, người thưa và không ai chú tâm đến đất đai làm gì. Anh ngoài trồng cây ăn quả, chú trọng trồng nhiều cây thuốc, đủ loại.
Mọi thứ đang suôn sẻ, êm ấm thì một hôm anh bất ngờ thông báo với chị: “Ở TP Hồ Chí Minh đang có tuyển sinh lớp trung cấp y học cổ truyền. Anh cần phải đi học, để nâng cao kiến thức. Tương lai phải có bằng cấp mới hành nghề được”. Chị đồng ý với anh, để anh đi học. Nhưng anh nói thêm: “Anh muốn cả nhà cùng đi, vì con phải học ở Sài Gòn mới phát triển”. Chị ngỡ ngàng, chị phải bỏ công việc là cả một vấn đề; con còn nhỏ mới 5 tuổi; nhà thì đã yên ổn giờ xuống Sài Gòn thì ở đâu, làm gì… Chị nói: “Anh cứ đi, còn em và con ở lại…”.
Thế là anh cương quyết ôm con đi theo, để chị ở lại với lý do anh phải đi học, con phải được học ở thành phố lớn chứ không phải nơi thiếu thốn đủ thứ.
Xuống Sài Gòn, anh vừa đi học vừa chăm con. Lúc thì anh ở nhà bạn bè hồi cùng học đại học. Lúc anh và con ở nhờ nhà chùa. Đứa con gái quá nhỏ để cảm nhận được vất vả của hai cha con. Anh ngoài học thì đi làm thêm ở các phòng khám ở chùa với thù lao ít ỏi, rồi đi dạy tập dưỡng sinh, viết báo…
Chị lúc đầu quá giận, muốn anh làm gì thì làm, nhưng rồi thương anh, thương con phải tính cách đến Sài Gòn. Chị xin nghỉ việc, bán hết nhà cửa rồi mang hành lý xuống với hai cha con. Lúc đầu mới gặp đứa bé còn giân chị, sau đó khóc òa ôm chầm lấy chị. Còn anh vừa cảm động, vừa tỏ vẻ vui mừng vì ý định của mình đã đạt được.
Với số tiền bán cả cơ ngơi ở Tây Nguyên, chị dùng phần lớn để mua một căn nhà nhỏ ở gần trường nơi anh học; phần nữa để lo cho hai cha con cùng học hành. Nói là căn nhà nhưng thực tế nó chỉ hơn phòng trọ một chút, rộng chừng 14 mét vuông.
Thời gian trôi qua, chị cũng kiếm được việc làm thêm bán thời gian; anh học xong với tấm bằng xuất sắc; gia đình có thêm đứa con nữa. Con cái lớn lên đúng như nguyện vọng của anh và cả hai đều là bác sĩ. Đứa con gái lớn học xuất sắc được giữ lại làm giảng viên của trường rồi ra nước ngoài làm tiến sĩ, hậu tiến sĩ. Sau đó, cô bé trốn nhà theo cha ngày nào ở lại nước goài làm giảng viên…
Mọi thứ thay đổi, riêng căn nhà thuở đầu của họ không thay đổi. Họ vẫn ở đó, vẫn là một gia đình vui vẻ; anh thì vẫn say mê cây thuốc, nghiên cứu như ngày nào. Chị từ lâu đã hết giận anh, nghĩ về anh chị chỉ nghĩ: “Thôi trời không nghe đất, đất nghe trời vậy; chứ không phải chỉ là thuận vợ, thuận chồng”…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-lai-mot-mai-nha-435239.html