Về lại xóm ghe, xuồng một thuở vàng son
Nghề đóng ghe, xuồng ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, tồn tại và phát triển hơn 100 năm. Trải bao thăng trầm, nghề này đang dần mai một. Vì vậy, để giữ nghề truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của Cần Giuộc đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành.
Trăm năm nghề đóng ghe
Người dân sống ven sông ấp Mỹ Hội, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc (nay là ấp Tân Quang 1, ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) vốn sinh sống bằng nghề đi ghe tàu, đánh bắt thủy sản, chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy. Do đó, người dân có thêm nghề thợ mộc, nghề đóng và sửa chữa xuồng, ghe.
Năm 1950, nghề đóng ghe, xuồng ấp Mỹ Hội, xã Tân Tập phát triển mạnh. Nếu trước đây, nhiều trại chỉ đóng ghe có trọng tải khoảng 5 tấn thì nay lên đến 100 tấn. Ban đầu chỉ có vài hộ dựng trại tại bến đò ngang Kênh Nước Mặn (khu vực bên bờ ấp Tân Quang 1), dần dần lan rộng thành xóm ghe, xuồng. Người đầu tiên mở ra nghề truyền thống này là ông Trần Văn Trà (SN 1924, ngụ ấp Tân Quang 1).
Sản phẩm ghe, xuồng ở ấp Tân Quang 1 trở thành thương hiệu nổi tiếng nhờ kỹ thuật điêu luyện của nhiều thợ giỏi và các yếu tố văn hóa riêng biệt. Ông Huỳnh Văn Hiệu (thợ đóng ghe, xuồng ở ấp Tân Quang 2) cho biết: “Để làm ra một chiếc ghe, xuồng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là đốt be để tạo dáng bởi tùy theo loại ghe to hay nhỏ mà lên be theo từng đôi một, sau đó tiếp tục vô cong, áp khẩu, làm mui, trét chay, hạ thủy,... Về hình dáng, ghe có nét mỹ thuật độc đáo ở mũi, lái và mặt sơn màu đỏ tươi, nhất là đôi mắt “thần” (dân gian còn gọi là đôi mắt đảo mèo). Chính đôi mắt đảo mèo này làm nên nét độc đáo và riêng biệt của nghề đóng ghe, xuồng tại ấp Tân Quang 1, xã Đông Thạnh”.
Thông thường, một chiếc ghe dài từ 5 - 6m cần 5 - 6 người thợ làm trong 15 - 20 ngày. Nếu làm bằng gỗ tốt, đóng đúng kỹ thuật và mỹ thuật thì tuổi thọ của mỗi chiếc ghe có thể lên đến 30 - 40 năm. 100 năm qua, nghề đóng ghe, xuồng chủ yếu do các dòng họ như Lê, Nguyễn, Huỳnh,... (thuộc các xã Tân Tập, Đông Thạnh) góp phần sáng tạo các sản phẩm ghe, xuồng chất lượng, đi liền với các thương hiệu nổi tiếng vùng sông nước Cần Giuộc như ghe bầu, ghe chài, đóng đáy, ghe ủi, kéo, xuồng tam bản, ba lá,...
Cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống
Về ấp Tân Quang 1, xã Đông Thạnh những ngày này, không còn thấy không khí lao động sôi nổi; không còn nghe tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa như trước đây, thay vào đó là không khí vắng vẻ, đìu hiu của một làng nghề. Hiện nay, ấp Tân Quang 1 còn 13 hộ làm nghề, chủ yếu là sửa chữa xuồng, ghe. Nguyên nhân chủ yếu làm nghề đóng ghe, xuồng mai một là giá nguyên liệu gỗ tăng cao, trong khi đó, thợ đóng ghe, xuồng chủ yếu lấy công làm lời.
Quá trình làm nghề đóng ghe, xuồng có nhiều công đoạn rất phức tạp, đòi hỏi người làm nghề phải có đam mê, kiên trì và cả kinh nghiệm mới bám trụ, duy trì và phát triển được nghề. Bà Đặng Thị Duyên (thợ đóng ghe, xuồng ở ấp Tân Quang 1) nói: “Trước đây, cơ sở của tôi nhận đóng ghe, xuồng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, còn bây giờ chủ yếu là sửa chữa, tháng nào có hàng thì sửa 3 - 4 chiếc, không có hàng thì chỉ 1 chiếc, trung bình 1 chiếc ghe sửa chữa khoảng 1 tuần. Đây là nghề của ông bà nên phải cố gắng giữ gìn. Nghề này không giàu nhưng chăm chỉ làm thì vẫn đủ sống”.
Gia đình chị Lê Thị Mộng Kiều (xã Đông Thạnh) có 3 đời gắn bó với nghề đóng ghe, xuồng. Mỗi ngày, chị có thu nhập 270.000 đồng nhưng làm việc xuyên suốt 8 giờ ngoài trời, rất vất vả. Chị Kiều trải lòng: “Dù biết nghề này không còn hưng thịnh như xưa nhưng lớp “hậu bối” chúng tôi phải có trách nhiệm duy trì và phát triển nghề truyền thống; đồng thời, truyền lại cho thế hệ mai sau”.
Qua thời gian, với biết bao khó khăn nhưng người thợ đóng xuồng, ghe vẫn bám nghề. Với họ, đó không chỉ là nghề truyền thống của gia đình mà còn là nét văn hóa của miền hạ Cần Giuộc./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ve-lai-xom-ghe-xuong-mot-thuo-vang-son-a144233.html